Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Câu chuyện khó tin về tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt

Do địa hình phức tạp, người Pháp đã phải cần đến 25 năm để xây dựng tuyến đường sắt răng cưa đặc biệt từ Phan Rang lên đến Đà Lạt, tiêu tốn mất 200 triệu đồng Franc Pháp. Thế nhưng sau năm 1954, tuyến đường sắt răng cưa độc đáo này nhiều lần đã là mục tiêu tấn công của MTDTGP. Việt Cộng đã đặt mìn tự nổ khi tàu chạy ngang qua chừng tám lần. Qua phá hoại, một chiếc đầu tàu đã trật đường ray, trong một lần khác, mìn nổ đã tạo ra một hố to cho tới mức đầu tàu đã sụp vào trong hố đó và không chạy được nữa.
Năm 1967, một nhóm bốn người có vũ trang chận đoàn tàu chở hàng lại trên đoạn Da Tho (Le Bosquet) và Cầu Đất (Entrerays). Nhóm điều hành đầu tàu bốn người bị bắt mang vào khu rừng gần đó. Tại lần này, tổ lái tàu chỉ bị hỏi cung. Hai tuần sau đó, cũng chiếc đầu tàu đó và cũng cùng tổ lái tàu đó đã bị cũng nhóm bốn người đó chặn lại ở giữa tuyến Cà Bơ (K’Beu) và Ei Gió (Bellevue). Lần này tổ lái cũng phải rời khỏi đoàn tàu và phải cung cấp thông tin bằng cách nào có thể phá hủy đầu tàu một cách hiệu quả nhất. Ý tưởng đầu tiên của nhóm du kích là muốn cho nổ ở nơi đốt lò. Nhưng người lái tàu đã có thể giải thích cho họ hiểu rằng cho nổ lò hơi trong lúc không có thời gian kịp chạy ra đến một khoảng cách an toàn là một hành động tự sát. Người lái tàu đề nghị cho nổ những thùng dầu được gắn thêm trên tàu, nhưng lại đánh lừa bốn người du kích bằng cách chỉ vào một thùng đựng nước. Do vậy, sau vụ nổ và sau khi nhóm du kích đó rút đi, người lái tàu với máy liên lạc vô tuyến đã có thể gọi một đầu máy khác cộng với quân đội VNCH tháp tùng bảo vệ đi đến nơi mà mang chiếc đầu tàu hư hỏng nhẹ này về đến Đà Lạt.

Bản đồ đường sắt Đà Lạt - Sông Pha
Bản đồ đường sắt Đà Lạt – Sông Pha

Sau sáu tháng sửa chữa, một tổ lái khác đã lái đoàn tàu từ Đà Lạt về Sông Pha và lần này thì đầu máy 40-302 đã chạy trên một quả mìn có sức nổ mạnh cho tới mức lò hơi của đầu máy đã nổ tung. Ba thợ đốt lò Hữu, Bích và Ngọc bị phỏng nặng và chết ngay tại chỗ. Người lái tàu tên An bị sức nổ hất văng lên một cành cây. Ông thoát chết, “chỉ” bị gãy tay.
Đầu tàu 40-302 bị phá hủy hoàn toàn, sau đó được kéo về Cầu Đất. Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo ngưng hoạt động sau đó.

Đầu máy xe lửa răng cưa trên đường trở về lại Thụy Sĩ
Đầu máy xe lửa răng cưa trên đường trở về lại Thụy Sĩ

Sau năm 1975, trong lúc thiếu vật liệu để tái xây dựng đường sắt Thống Nhất, đường ray đặc biệt của tuyến đường sắt răng cưa cũng bị tháo dỡ nhằm lấy vật liệu mặc dù không phù hợp. Được chế tạo đặc biệt cho các yêu cầu cao của đường sắt leo núi, ngay từ bu lông đến đai ốc cũng đã khác với vật liệu thông thường rồi. Sau đó chúng bị trộm cắp và mang đi bán sắt vụn.

Đầu máy xe lửa sau khi được phục hồi
Đầu máy xe lửa sau khi được phục hồi

Rồi đến năm 1990, toàn bộ các đầu máy xe lửa răng cưa hay những gì còn sót lại từ chúng được bán phế liệu về cho Thụy Sĩ (là nước đã sản xuất ra các đầu máy này), chấm dứt mọi hy vọng mỏng manh tái thiết tuyến đường sắt vốn là một kỳ công kỹ thuật độc đáo của người Pháp để lại. Hai chiếc đầu tàu sau đó đã được người Thụy Sĩ phục hồi và bây giờ vẫn hoạt động đều đặn trên tuyến đường sắt răng cưa leo núi tại Thụy Sĩ (Furka-Bergstrecke).
Tấn bi kịch về công trình kỹ thuật độc đáo của người Pháp ở Việt Nam này là điển hình cho sự phá hoại miền Nam vì ngu dốt và thiển cận!
Theo Phan Ba's blog
Ps: Việt Nam đặt hàng công ty SLM Winterthur Thụy Sĩ để mua đầu máy đặc biệt HG 4/4. Loại đầu kéo hơi nước HG 4/4 này chỉ dùng ở VN. Loại đầu máy này với 4 trục bánh vận hành đồng bộ là kiểu đầu kéo đặc biệt chế tạo riêng cho tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt nhằm đáp ứng cho tàu lưu thông trên vùng có độ dốc trên 12%.
Năm 1990 các đầu máy quý hiếm bị bán rẻ cho Thụy Sỹ.

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

HOÀI NIỆM VỀ LỚP CÔNG THÔN – NÔNG LÂM SÚC HUẾ 1971-1974

Trường Nông Lâm Súc Huế từ không ảnh 1965
        THI TUYỂN VÀO LỚP CÔNG THÔN, NLS HUẾ     
    Thật tình cờ, khi mình đã ngoài 60 tuổi, bỗng dưng muốn nhớ nhiều về chuyện cũ. Qua những lần tình cờ gặp gỡ bạn bè xưa, mỗi lần một số bạn, cuộc đời học trò NLS áo nâu như hiện về rõ ràng, mạch lạc trong ký ức. Nên mình chỉ muốn viết ra để chia sẻ một vài cảm xúc của thời thanh niên đi học. Một thời tuổi trẻ lứa tuổi bọn mình sinh ra gặp lúc đất nước, quê hương mình xẩy ra nhiều biến động, những tao loạn của chiến tranh nghiệt ngã, đến khi hoà bình lại còn di chứng nhiều tổn thương, mất mát, rồi lức lập thân, lập nghiệp, lập gia đình... với nhiều gian truân, trắc trở. Ôi! Giá như bọn mình sinh ra ở một thời đại khác, một miền đất khác, hay ở một xứ sở khác? Thì còn có gì để nói với nhau đây? Lấy gì mà kể cho con cháu nghe “như là chuyện cổ tích” tưởng như không hề có thật trong cuộc đời cho các con, các cháu nghe đây? Mong các bạn châm chước cho những lời vụn vặt, những chi tiết có khi lẫn lộn của mình...
Năm 1967, từ một cậu bé Tiểu học trường làng, do chiến tranh, làng An Thuận kề làng Hương Cần xẩy ra chiến cuộc, cả nhà mình phải tản cư lên Huế, gia đình dựng một căn nhà tạm lợp tôn trên khu đất thuê sau lưng Đại Nội, Huế. Cho nên mình phải nộp đơn vào thi lớp Đệ Thất trường Trung học Hàm Nghi. Qua 4 năm lằng nhằng học ở Trung học Hàm Nghi Huế, mình chỉ xếp học lực xuềnh xoàng. Môn học khá nhất lại là ...môn Hoạ, Âm nhạc, Anh văn...Thế rồi đùng một cái, đến năm lớp đệ Tứ (sau đó đổi là lớp 9), mình có ông bác là thầy Hoàng Trọng Kẩm dạy trường NLS ông tư vấn cho ba mình: " chú nên cho con vào học NLS để có nhiều điều lợi: Thứ nhất miễn quân dịch 2 năm(sau Mùa Hè đỏ lửa 1972 chỉ còn được miễn 1 năm vì luật đôn quân). Thứ hai là ngành nghề phù hợp nghề nông (của ba mình). Thứ ba là trong NLS cũng có nhiều ngành, như ngành Công thôn là ngành mới đào tạo học sinh học Toán như ban B ngoài (9 tiết/tuần) được cấp bằng tú tài dựa trên kết quả học tập của 2 kỳ  “đệ nhất lục cá nguyệt” và “đệ nhị lục cá nguyệt” của lớp 12, chứ không phải thi tú tài như trường Trung học phổ thông". Vậy là quá Ok, ba mình bèn rút hồ sơ nộp cho mình thi vào học lớp 10 ban Công thôn, trường NLS Huế. Đó là bước ngoặc thứ 2 trong đoạn đường học tập và cũng như sau này trong cuộc sống, công việc của mình....
Thăm lại trường xưa, cảnh lớp học không thay đổi mấy.

Bỡ ngỡ khi vào lớp 10 công thôn trường NLS, mọi thứ được học ở đây đều khác với trường Trung học đệ nhị cấp ở ngoài phổ thông. Tuần học 6 buổi Văn hoá, rất nặng là đằng khác: Toán # ban B và Trung học Kỹ thuật ban Toán: Tuần 9 tiết, hình như nhiều hơn ngoài ban B. Cũng học Lý, Hoá, Vạn Vật, Văn Triết, Công Dân, Sử Địa, Anh văn, có cả Sinh ngữ 2 là môn Pháp Văn..., 1 buổi thực hành Nông Xưởng, cộng cả tuần > 32 tiết. Ngoài ra còn phải học đủ căn bản các môn Nông học, Lâm học, Mục Súc của trường Nông Lâm Súc. Đặc biệt nhất là môn Công thôn (Rural enginering), sau này mình mới biết đây là môn mới mở trong trường NLS theo định hướng Công nghiệp hoá Nông thôn chuẩn bị đưa trí thức trẻ về nông thôn để xây dựng nông thôn thời hậu chiến (Miền Nam đang thương thuyết hoà bình theo hiệp định Paris từ 1968). Chương trình do Đại học Havard của Mỹ tài trợ để tuyển chọn sinh viên cho trường Đại Học Cộng Đồng Thủ Đức (sau này là trường SP kỹ thuật Thủ Đức). Ôi! Một chiến lược phát triển nhân lực kỹ thuật và cơ khí rất tốt như vậy cho thời kỳ xây dựng lại quê hương khichiến tranh chấm dứt như vậy đã tan theo mây khói cùng với sự thay đổi của chiến tranh và kết quả của chiến cuộc....

    KỶ NIỆM CHUYẾN ĐI TUÝ VÂN
            Từ Trung học Hàm Nghi vào trường NLS Huế cùng lớp 10 công thôn với mình còn có nhiều bạn nữa như Nguyễn Hữu Thân (Thân pê đê), Nguyễn Đức Thành, Võ Quang Trí....Lớp 10 năm học 1971-1972 có đến 56 bạn. Sau chiến cuộc “Mùa Hè đỏ lửa” tháng 4 /1972. Luật đôn quân có hiệu lực, chỉa cho hoãn dịch lý do học vấn cho học sinh trường Trung học chuyên nghiệp là 1 năm. Nên các bạn sinh 1955 còn học đươc, sinh từ 1954 nếu không có hoãn dịch vì lý do gia cảnh thì buộc phải đi lính. Với năng lực học ban Công thôn “cày Toán Lý Hoá như trâu điên” nên nhiều bạn sinh 1954 ra ngoài nộp đơn thi Tú tài I (lớp 11) đỗ rồi đi thi vào trường Trung học SP Huế (thi băng 1 lớp + được hoãn dịch 1 tuổi) vậy là ổn như bạn Tất, bạn Tình...Có bạn có bằng Tú tài I xong vào trường SQ Thủ Đức như Lê Nổi, Nguyễn đình Phi....Còn lại đến năm 11, 12 sĩ số trong lớp cuối cùng chỉ còn 34 bạn. Vậy là cuối đệ nhị cấp lớp giảm đi 22/56 bạn, một sự hối tiếc không hề nhỏ. Đến mùa Hè 1974, 100% các bạn có học đạt TB cả 2 lục cá nguyệt năm lớp 12 đều được cấp bằng Tú tài phần thứ 2 NLS, tương đương với bàng tú tài toàn phần. Vì tú tài NLS chỉ xét theo học lực nên nhiều bạn còn nộp đơn thi tú tài 2 ngoài phổ thông, năm 1974 áp dụng thi tú tài theo kiểu trắc nghiệm do máy tính IBM của Hoa Kỳ chấm ở Sài Gòn, nên thí sinh nào thi tú tài năm đó đều được gọi là thi Tú tài IBM, và chỉ một lần duy nhất ở Việt Nam, hình thức thi trắc nghiệm độc nhất vô nhị trước 1975. Sau này, làm giáo viên trong ngành giáo dục từ 1978 đến 2016, tôi mấy thấy ngành GD mới tổ chức thi trắc nghiệm từ 2010, và thi 75% trắc nghiệm chỉ mới năm nay (2017), mới thấy phải mất 43 năm sau ngành giáo dục ta mới cải tiến thi cử theo lối Trắc nghiệm của Miền Nam trước 75. Ôi! Một sự  tiến bộ..lùi khá thú vị! Kể cả Sử, Địa, Vạn vật, Triết. Lý , Hoá, Anh văn...người ta đã làm trắc nghiệm trước “ta” 43 năm rồi kìa! Mà nhân tài đâu có thiếu?
Sân trường 1971- Có con ngựa đang gặm cỏ.
       Năm 1974, các bạn 12 ban Công thôn làm lễ tốt nghiệp thật hoành tráng. Nhiều tay tổ trong tổ chức lớp như Nguyễn Phi Khứ, Nguyễn Văn Nhìn, Trần Công Thuận đúng là sau này đều làm thầy giáo tốt, uy tín...Lễ chia tay diễn ra trong phòng học đôi dãy E2, có món ăn, uống...rượu nếp pha đá. Có dàn nhạc Rock của lớp hình như Hoàng Trung lead Guitar, Trần Công Thuận Guitar bass, Trần Phương(?) hay Hồ Ngọc Đủ(?) chơi trống Jazz... chưa có lớp nào 12 Nông Lâm Súc Huế khoá đó được như vậy. Sau đó là chuyến đi dã ngoại Về thăm Tuý Vân- Hàm Rồng, do gia đình bạn Nguyễn Phan Văn Thăng ( cùng anh là Nguyễn Phan Văn Thắng học CT trước mình 1 lớp) đăng cai. Khoảng 16 hay 17 bạn lên xe lửa Huế- Đà Nẵng về ga Đá bạc đổ bộ xuống bến đò Đá Bạc. Đây là lần đầu tiên trong đời mình đi xe lửa, cảm giác thật khó tả, chỉ sợ...tàu bị...nổ mìn!!! Đi đò ngang vượt Phá Tam Giang, nên nhớ lúc đó là đò máy chạy động cơ Diezel Yanmar F10 của Nhật, cái máy mà ở nhà quê mình dùng để kéo dàn máy xay và giã gạo liên hợp. 
       Quả thật, lúc đó 1974, trình độ cơ giới hoá của nông thôn Miền Nam là rất cao, bạn hãy nghĩ là lúc này Hàn Quốc vẫn còn ...cuốc ruộng, còn Miền Nam đã có máy kéo Kubota L200, L2000, máy cày tay Kubota, Yanmar.... xới đất đàng hoàng. Nhớ sau 1975, trong giảng đường trường Đại Học, nhiều vị giảng viên ta đã đem chuyện “Điện khí hoá nông thôn” ở quê mình (của ba mình làm chạy điện cho 3 xóm chợ, cho cả thôn coi Ti Vi World cup Munich 1974 trên Ti Vi 14 inchs..) làm minh hoạ. Ổng cho rằng ...điện khí hoá nông thôn Miền Nam là...nhỏ lẽ, nền kinh tế văn minh là... giả tạo, chỉ phục vụ 1 ít tư sản vân vân và v.v...Ổng không ngờ thằng SV vận hành lưới điện nhỏ đó, thắp sáng cái ước mơ và đã nếm cái văn minh cho mấy xóm nhỏ ở Huế đó...chính là mình! Thằng học sinh lớp 10 công thôn đã được đi xe Honda 67 (SS50) vừa đi học, vừa đi làm cơ khí máy cày (2 chiếc cày tay) 1 chiếc Kubota 4 bánh 20CV l200, vận hành 2 máy xay giã gạo liên hợp Yanmar F10....Điều này sau đó đã bị lụi tàn, phải đến 1990 sau khi mình đi dạy 10 năm về và sau gần 20 năm mới nhập máy cày tay Đông Pheng của Trung Quốc về làm lại từ đầu...

Bên sườn đồi Quy Sơn- Biển Hàm Rồng, Tuý Vân
        Chuyến đi dã ngoại về Tuý Vân của lớp 12 Công thôn Hè năm 1974 thật là một chuyến đi đầy ấn tượng. Sau khi đặt chân lên bến đò làng Hiền Vân, Vinh Hiền, cả bọn kéo nhau đi bộ lên thăm chùa Tuý Vân (chùa Thánh Duyên). Cắm trại trong rừng, đốt lửa trại, ca hát, nướng sò trìa trên than hồng lửa trại, miệng trìa vừa mở ra, lập tức vắt tí chanh vào, thêm nhúm muối tiêu, và thế là húp vào miệng...Ui chao! Cảm giác thật khó tả. Bọn mình gồm Huỳnh Trân và mình ôm 2 cây đàn Mandolin, Thuận cao đàn Guitar, kèn Harmonica,v.v...Xập xình trong đêm lửa trại ở lại rừng Tuý Vân như vẫn còn vang vọng mãi đâu đây. Sáng mai sau khi ngủ đêm trong sảnh đại điện chùa, cả bọn hành quân quanh núi Quy Sơn, ra tắm biển Hàm Rồng. Biển Hàm Rồng thật là nguyên sơ như chưa hề có vết chân người. Bây giờ, có nhiều người mua tour "Du lịch sinh thái" chắc không đạt được những cảm xúc như bọn Thân hữu lớp Công thôn 1974 của mình xưa kia đâu. Chụp rất nhiều hình, là học sinh mà bạn nào cũng có máy ảnh Canon, Nikon, Minesotta, Kodak...chụp rất nhiều ảnh...Trên bãi cát, ngoài gộp đá, lựa lúc sóng to đập vào vách đá tung bọt trắng xoá để tạo background (hình nền) thật tuyệt vời (tui mượn cái kính râm pilot của bạn Hoàng Trung tạo dáng thật chuẩn đó nghen!)...Buổi cơm trưa nhà bạn Thăng cả 2 anh chị của bạn gánh 2 gánh cơm nhà cho các bạn: Nào là cơm thịt heo, dưa giá, canh mực với thơm... ngạt ngào...Thật là bữa cơm ấm áp tình cảm khó phai mờ...Xế chiều lại tắm biển, vớt rau câu, bắt cua đá, bắt còng....vui thật là vui. Tối về lại ăn liên hoan cơm tối với gia đình bạn Thăng, Thắng...Đi uống cà phê chợ, nhớ là có gặp anh rể của bạn Ý làm ở quận Vinh Lộc đi xe Jeep đến thăm.... Ngày mai lại, cả bọn đi đò dọc ngược Phá Tam Giang, Sông Hương về Huế. Qua khỏi cửa Thuận An, đến Diêm Trường thì bị một chiếc Giang Thuyền HQ chặn lại xét giấy tờ rồi cho đi... Nếu kể chuyện này vào thời nay thì không có gì lạ, nhưng ngược thời gian trở về quá khứ 43 năm về trước, trong hoàn cảnh có chiến tranh, 16 chàng thanh niên đi chơi xa như vậy thật hiếm có. Nào là nạn nổ mìn xe, đò, đạn lạc, sợ bị bắt cóc vô rừng, lúc nào cũng kè kè "lược giải cá nhân", thẻ "căn cước" với thẻ "động viên tại chỗ" (hoãn dịch) thì khó ai đi được. Sự vắng mặt của nhiều bạn cũng chắc vì lý do đó...
Biển Hàm Rồng - Vinh Hiền ngày nay vẫn còn hoang sơ

P3/ HỌC SINH CÔNG THÔN HỌC GÌ? CÔNG XƯỞNG HAY NÔNG XƯỞNG?
         Nói về sự học trong trường Trung học Nông Lâm Súc Huế có nhiều điều cần hoài niệm: Trong các ngành Nông Học, Lâm Học và Mục Súc thì đã rõ ràng rồi. Vậy ngành Công Thôn là ngành gì? Đào tạo ra sao? Nguồn nhân lực đi đâu? Đây vốn là câu hỏi mà nhiều người gọi là"chuyên gia giáo dục" thời nay, chưa ai dụng tâm tìm hiểu để học được cái hay cái được của nền giáo dục VNCH trước 1975. Nền giáo dục khai phóng, theo mô hình các quốc gia tân tiến mà chúng ta đã bỏ lỡ cái duyên kế nghiệp...
Máy kéo bánh xích cổ.

          Năm học 1971-1972, khoảng đầu năm 1972, cùng với kỹ thuật in Ronéo phát triển. Trường NLS Huế có nhà thơ học sinh là Trần Hữu Nghiễm, làm thơ và in thơ rồi đi bán khắp các trường từ NLS, Kỹ Thuật, đến Thành Nội, Hàm Nghi, Quốc Học, Gia Hội, Nguyễn Tri Phương, BC Hưng Đạo, Bồ Đề. La san v.v...Rồi các tập "ca khúc da vàng", ca khúc phản chiến "Hát cho dân tôi nghe" của Trinh Công Sơn, Tôn Thất Lập, La Hữu Vang....được in ấn dễ dàng và phát tán trong thanh thiếu niên. Lớp 10 công thôn cũng biên tập bài vở để in trong 1 đặc san khổ 18x23, tên là “ĐỊNH HƯỚNG” do Lớp 10 Công Thôn thực hiện. Thật là một đặc san thú vị đong chứa nhiều kỷ niệm tuổi học trò. Sau 30/4/1975 để đối phó với chiến dich “bài trừ văn hoá đồi truỵ” của ta, nên đành đốt mất thật uổng. Không biết bạn nào lớp 10 CT năm 1971-1972 có còn không? Được cho lớp đấu giá làm “bảo vât” của lớp thì quá hay. Phần trình bày bằng bút kim vẽ trên giấy can để in Roneo, tôi nhớ bạn Nguyễn Trình (bây giờ là Nguyễn Tiến Trình) có sáng tác bản nhạc “Đường về Nông Xưởng” không nhớ giai điệu có hay ho gì không, chứ hình thức kẻ nhạc thì ok đẹp lắm... 
         Nhắc đến Nông Xưởng, dân Công Thôn nào mà không biết, không đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đứt tay chảy máu vì nó? Nông xưởng là ngôi nhà lợp ngói to đùng, nằm sau khu vườn ươm và khu chăn nuôi. Nhớ thầy Hồ Đăng Lễ, kỹ sư công chánh, trưởng Ty công chánh tỉnh Thừa Thiên, dẫn cả lớp ra vẽ kiến trúc “Nhà nuôi heo” đủ cả 3 phối cảnh: Chính diện, Tả hữu diện và Bình đồ. Nhà nông xưởng rộng có dốc cho xe và máy kéo đi lên thoai thoải. Trong nền xi măng, có vì kèo gỗ rộng lắp ghép theo kỹ thuật tam giác ghép nối của Pháp. Sàn Nông xưởng rộng, có cái bục xi măng đầu hồi để diễn Văn nghệ. Có mấy cỗ máy cưa bào liên hợp chạy điện. Có bàn cưa ngang có thể định vị từ 0 – 180 độ. Máy mài 2 đá, có trục moteur lệch 0-90 độ để mài cạnh supap v.v...Ở góc xưởng có kho chứa máy móc, nông cụ. Cách đây hơn 45 năm mà đã có máy khoan điện cầm tay, khoan bàn, máy mày liên hợp, máy bơm thuốc trừ sâu...Nhớ mỗi lần vào học thực hành Nông xưởng, thầy Đặng Tẻo bắt học trò đổ nước vô đầy thùng máy phun thuốc trừ sâu, rồi giật dây máy nổ, lấy vòi phun ra...rửa con xe Honda 68 của thầy, mình cũng tranh thủ dắt xe 67 vô rửa ké. Phải 40 năm sau, những cỗ máy kiểu này mới xuất hiện ở Việt Nam. Nhớ giờ học Mộc của thầy Chương là sôi nổi nhất, nào cưa máy, cưa ngang, cưa lá liễu, bào sắt...Nhưng cái cưa lá của Mỹ nó to và nặng gì đâu, khi cùn cưa hoài không đứt, sau thầy cho dùng cưa ngang kiểu thợ mộc Việt Nam mới đạt. Cái bào công nghiệp có thể chỉnh được góc nghiêng của lưỡi 45-60 độ, có tay nắm trước và sau, lưỡi bào bằng thép Mỹ rất tốt. Tay Nguyễn Văn Nhìn lúc nào cũng chuyên mài lưỡi bào bằng máy mài supap nên bào hắn rất mịn và ngót. Bài tập ra sản phẩm từ Nông xưởng có rất nhiều, nhưng nhớ nhất và ấn tương nhất là sản phẩm gò “gàu xúc gạo”. Lúc đó mình chưa hề hình dung dung có một vật thể là gàu xúc gạo (chỉ biết có gàu tát nước thôi). Mãi sau này khi kinh tế gần đây phát triển xuất khẩu gạo nhiều lại mới thấy cái công cụ này. Đồ gỗ thì vẽ Kỹ thuật và gia công thực hành làm bộ salon gỗ, nguyên liệu là gỗ thông thùng đạn Mỹ, bằng mối ghép đinh và mộng ngàm, mỗi học sinh đã tự đóng 1 bộ ghế salon rất tiện dụng từ hồi còn học năm lớp.... 10. Hỏi rằng trong các ngành học phổ thông ngày nay có học sinh nào làm ra được vậy trong giờ thực hành không? Nhìn những trang thiết bị, rồi sản phẩm hồi đó đến sau này, trong 28 năm làm giáo viên dạy giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp cho học sinh PT tôi chưa bao giờ thấy một mô hình nào được như vậy, và có lẽ sẽ còn lâu nữa mới được như vậy, tiếc thay! Trường NLS ngoài việc nổi tiếng có 2 con ngựa có “bugi dài chấm đất” hay ăn cỏ trong sân trường ra, con heo nái Yorsire khổng lồ trong trái giống ra thì còn có “chiếc xe tăng” là chiếc máy ủi 2 bánh xích của ban công thôn. Chiếc máy này từ lâu bị hỏng gì đó (chắc bị hỏng heo dầu bơm dầu không lên) sau đó thầy Tẻo sửa cho nó hoạt động, rồi sau đó thầy và trò chiều nào cũng ngồi lái “xe tăng” rùng rùng đi ngang đi dọc mấy đoạn đường sỏi đá trong trường. Không thể quên được cái cảm giác tay kéo cầm ambraya cho xe quẹo phải, quẹo trái...chiếu xe gầm rú khi nhấn ga và chồm giật lên mỗi lần nhả côn...ôi thôi, ngồi trên xe, thấy mấy em gái nữ các lớp Canh nông, Mục súc...đi thực hành về, sợ xe nấp nép khiến cho mấy anh áo nâu “Công thôn” nở mũi hiên ngang..haha...
        Dào dạt đôi giòng viết lại ký ức thuở nào một thời học sinh áo nâu nông nổi, rồi giận khi bị bọn HS gọi xách mé là “nông lâm heo” mà mình có phải “heo” mô? Mình là dân công thôn chính hiệu. Vì vậy mà có lúc thua trận đá banh với trường Nguyễn Tri Phương, chỉ cần có bọn chọc quê là lên xe tải, cùng anh em bên “Ruồi xanh” trường Kỹ thuật kéo ra đánh lộn, loạn xà ngầu... Ôi tuổi thiếu thời hoang dã ấy, mấy ai quên nhiều kỷ niệm?
                  - TNT56- Viết theo ký ức, đăng trang blog của Thân hữu cựu HS Công Thôn NLS Huế 71-74