Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

CÂY VỢT NHÔM

CÂY VỢT NHÔM

(Viết cho kỷ yếu Kỷ niệm 30 năm Hội ngộ trường xưa cựu HS trường THPT Kon tum 1985-2015)


          Kon tum mùa khô hanh những năm 1980, đó là bắt đầu của những tuần đầu của học kì 2 ở ngôi trường Trung học phổ thông cấp 3 phố núi. Trời khô hanh lay lắt, không khí như nín thở, chiều chiều, những mảnh tro tàn của một cánh rừng nào đó bị lửa đốt…bay xa và rơi vương vãi xuống khoảnh sân nhỏ bé, quanh co, trải đầy sỏi cát chen lẫn với những chiếc lá si, lá long não, phượng vỹ..vật vờ. Khoảnh sân trường nhỏ bé đó được che phủ gần hết 1/3 với cái bóng cây Si khổng lồ: “Có bác Si già, ôm lấy chú Bằng Lăng”. Gốc si đó không biết đã có tự bao giờ, khi chúng tôi về trường nhận việc, nó đã đứng đó: uy nghi, ngạo nghễ. Cứ buổi sớm, từng đàn chim chào mào “khổng tước” không biết từ rừng đại ngàn nào, bay về vần vũ kể cả hàng trăm con, chen nhau, ríu rít tranh ăn những chùm quả Si đỏ lừng, ngon ngọt. Thỉnh thoảng, một tiếng kẻng của bác Quý bảo vệ gióng lên báo giờ đổi tiết, chúng lại giật mình xao xác lảng đi….rồi lại quay trở lại, vấn vít trên tán lá của  ngọn cây vĩ đại của bác Si già, như đàn em học sinh ngây ngô dưới sân trường, quyến luyến với ngôi trường yêu dấu vậy.
      Một dạo, khoảng năm 1982 gì đó, lần đầu tiên, tôi ở lại ăn Tết ở tập thể trường cấp 3. Có lẽ không nỗi buồn nào bằng một kỳ ăn tết xa quê, nhưng dưới cội Si già, mấy anh em ngồi tán dóc, xoa tay, vung “triệt” những quân cờ Đô Mi Nô, tú - lơ - khơ…cũng phần nào xoa dịu nỗi buồn nhớ tết quê hương. Dưới cội Si già, chiều 30 tết, chúng tôi bày dọn một cỗ bàn đơn sơ trên chiếc bàn nhỏ, để cúng tất niên. Vật thực chẳng có gì, đôi cặp bánh chưng tự gói, mấy gói kẹo mậu dịch, dăm ba chén chè, đĩa xôi, vài nén nhang,…mà lòng thành lễ bạc.


    Một dấu ấn xa xôi lại về bên cội Si già đó, có lẽ thật khó mà quên được. Một buổi sáng tinh sương khoảng tháng 5- 1980, sáng lơ mơ ngủ dậy trong phòng nội trú bên cạnh văn phòng Đoàn, bỗng nhiên mình nghe những tiếng tinh tinh, tang tang..văng vẳng từ nơi đại ngàn rừng thăm, âm thanh kỳ lạ như từ cõi hư vô nào mà mình chưa từng nghe bao giờ. Dụi mắt, mở cửa bước ra nhìn thì thấy dưới cội Si già tập trung một nhóm các già làng, bô lão dân tộc đã ngồi tựa gốc Si từ bao giờ. Trên tay họ là mỗi người 1 cái cồng hoặc chiêng đủ loại. Âm thanh kỳ ảo chính là từ dàn nhạc cồng chiêng này phát ra. Bên những ống vố, bầu nước, với y phục cổ truyền, nét mặt bình thản như những khuôn mặt tượng gỗ nhà mồ…, họ tấu chiêng mà âm thanh đó len lỏi vào hồn người nghe như tiếng gọi hào hùng, pha nét bi ai của núi cao rừng thẳm. Cũng không biết tại sao, cổng trường ban đêm đóng lại mà họ lại vào tập trung ngồi lại quanh gốc Si già? Câu trả lời theo tôi suy nghĩ có lẽ gốc Si già trong sân trường mình thuở xưa là dấu tích xa xưa của ngôi làng cổ Kon Tum thuở nào chăng? Cả thị xã rộng lớn bao la, bao nhiêu là cây cao, bóng cả, thảm cỏ, quảng trường, cớ sao họ lại tụ hội về đây từ nửa đêm để đón chờ ngày Lễ? (Lúc đó, đang có lễ hội “Rước đuốc Bác Hồ” từ Bắc vô Nam). Dù gì đi nữa, sáng sớm mở mắt ra, nhì thấy cảnh tụ hội và nghe những âm thanh từ xa xôi đại ngàn sâu thẳm đó, trong tôi như có làn gió lạnh sởn óc chạy dọc sống lưng! Ôi, Kon Tum, đất cao nguyên cổ xưa của bao nhiêu truyền thuyết, huyền hoặc… lại trỗi dậy ùa về trong tôi như một cảm xúc lạ kỳ, không bút mực nào tả hết được….

          Hồi đó, tập thể giáo viên trẻ ở nội trú đa số chưa có gia đình, sống bên nhau trong nội trú của trường còn khăng khít hơn anh em ruột. Ngoài những giờ lên lớp, soạn bài, hay là những tiết sinh hoạt chủ nhiệm “tra tấn” học trò, anh em chỉ còn có việc đi chợ, thổi cơm, kho cá, nấu canh…như những bà nội trợ thực thụ. Một cái bếp nhỏ phía sau dãy nội trú, dưới bóng cây mít, vài chiếc bàn hỏng chỏng chơ…dăm cục gạch kê ông táo…Đó chính là “tài sản” dùng để nấu ăn, nuôi sống 3, 4 anh em chúng tôi. Mọi sự phân công đều rất khoa học và chính xác, bằng lối tư duy của những cái đầu “trí tuệ” của quý vị giáo sư tốt nghiệp từ trường đại học cơ đấy. Anh nào nhanh nhẹn, chịu đựng sự tò mò của “dư luận” .., thì lo đi chợ. À, mà phải có cái duyên buôn bán nữa đó, ban đầu thì đổi phiên, sau đó, cơ chế phân chia nó tự động hình thành. Thầy H., thầy T…lo đi chợ, thầy T. lo pha chế, nấu ăn, thầy N. lo “bia” phượng khô, làm chất đốt. Hít hà,… cứ như thế, mỗi lúc hết tiết 5, học sinh tan trường, thì cũng là lúc nồi cơm nấu xong, bắt đầu công cuộc “tra tấn” khứu giác học sinh với mùi phi hành mỡ thơm lừng…lan tỏa từ cái hiên bếp nhỏ bé phía sau văn phòng Đoàn thuở ấy. Bữa cơm đạm bạc, canh rau tập tàng, đĩa cá ngừ hấp kho trộn với dưa cải muối “Tân Xạ”, xoong cá mà cải nhiều gấp mấy lần cá…bên chén nước mắm, ít quả ớt hiểm….thế mà ngon không thể tả, nuôi sống và làm ấm lòng những cái dạ dày lép kẹp của những chàng trai “hay ăn, chậm lớn” này.
Đã có làm, có ăn, thì phải có …chơi. Thể thao chính là cái phao cứu sinh cho những buổi chiều rảnh rỗi. Cái sân bóng chuyền trước dãy nhà hội trường, một khoảnh sân cát với 2 cái cọc lưới bằng thân cây gỗ nguyên sơ với cái ống đạn cà nông bọc ngoài, mảnh lưới con con không đủ kích cỡ…lại là nguồn vui cho tập thể anh em giáo viên của trường. Không cần đội hình, không cần giày áo, cứ chân trần, với 1 quả bóng, trên cái sân cát đó, là đã có những “chầu” các độ uống cà phê, ăn phở “ông Quáng” sôi nổi rồi. Đội hình thì đủ cả các thể loại: 4-4, 3-3, 2-2, và cả solo 1 chọi 1…(Có lẽ bộ môn bóng chuyền bãi biển quốc tế bây giờ cũng còn kém xa độ hot  bấy giờ đấy chú!).
Đáng nể nhất là câu chuyện “cây vợt nhôm” của tôi xin kể ra đây. Số là hồi đó, ở Kon tum chưa có bộ môn đánh cầu lông cho học sinh. Tất nhiên trong kho học cụ, cũng chỉ có mấy cái khung vợt gỗ cầu lông lèn quèn, khung cong vênh, lưới đứt chỏng chơ… Để khôi phục “phong trào” đánh cầu lông, hôm tháng trước về nghỉ Tết ở Huế, tranh thủ mấy hôm rảnh rỗi, tôi bèn ra sức gia công làm 1 cặp “vợt nhôm”. Nên nhớ là lúc đó, 1 cái “láp xe độp” tức là cái lốp xe đạp, cũng phải chờ đăng ký, 3 năm mới được mua phân phối, xe đạp là đồ xa xỉ, thì cái vợt cầu lông tốt ở Huế và Kon tum: có thể nói là “không thấy bao giờ”. Khung nhôm được cưa từ mảnh nhôm ballet nhôm lót sân bay (tấm ri nhôm), sau đó uốn nắn theo kích cỡ 1 cái vợt cũ mua trước 1975. Khoan lỗ bằng khoan tay tự chế, và lưới đan là dây cước câu cá…Thế là đã hoàn chỉnh một “tác phẩm” công nghệ khá hoàn hảo: 2 cây vợt nhôm “made in Như Thảo”, bằng nguyên liệu USA đàng hoàng.
       Khi vào những tháng 3 “mùa con ong đi lấy mật”..Tây nguyên gió bụi mùa khô ngút ngàn, cũng là lúc khi đàn chim “chào mào” về tranh nhau quả ngọt của Cây si già, cũng là lúc chúng tôi “khai trương” phong trào “Badminton” trên đất Kon Tum. Sẵn cái sân bóng rổ cũ phía sau hội trường, kề bên cái giếng, lại được bao bọc 3 phía bởi tường nhà và tường rào phía Thị đội, đây chính là địa điểm lý tưởng để kẻ vẻ kích thước cho cái sân “vũ cầu” của chúng tôi. Và thế là, sáng chủ nhật, hay vào các buổi chiều khi mặt trời tắt nắng, phong trào đánh vũ cầu trong sân sau của Hội trường luôn râm ran, sôi nổi. Mạnh nhất có lẽ là thầy V.Quang, cây tennis – giáo viên thể dục, đội lão tướng “anh hùng cái thế” lại là thầy Quáng nhà mình. Còn lại thì anh em cứ …sàn sàn…, vừa đủ “câu độ” cho vui cửa vui nhà. Nuôi nhau bằng “xôi mậu dịch”, “cà phê Da Vàng”, tươi hơn thì một chầu “phở bò kho” ông Quáng, hay tô bún ông “Tàu dơ”, hay là một bữa đại tiệc “bò viên” của ông “Tàu la”, với vài cốc rượu đế lai rai…. Đời đơn giản, thế mà vui! Thế rồi, tiếng lành đồn xa, mấy anh em ở phường Quyết Thắng như anh ..Minh…cũng cùng vào góp vui, sau này, nhờ các chuyến xe buýt Sài Gòn – Kon Tum, anh em có điều kiện mua về nhiều cặp vợt nhôm của Liên Xô, của nước ngoài rất đẹp…
-Bên cổng trường năm 1985- GV và HS ban văn nghệ THPT Kon Tum

            Thời gian qua mau, mới đó mà đã trải qua hơn 30 mùa Xuân trở lại. Bây giờ với một đô thị thành phố phát triển, nhiều sân chơi như sân tennis, nhiều nhà thi đấu của thành phố hiện đại, nhiều cây vợt “xịn” giá hàng trăm USD…nhưng trong ký ức của tôi, “cây vợt nhôm” tự chế đã làm nên công việc “tái khởi động” phong trào chơi cầu lông, môn thể thao bao năm bị “ru ngủ’ nay đã “hồi sinh” lại ở phố núi và trường xưa, luôn luôn là một kỉ niệm đẹp trong tôi, không bao giờ quên được.
Trường cũ, sân trường xưa với những bục “ghế đá” thô sơ, cái giếng, Cây Si già “ôm lấy chú Bằng lăng”, và nhất là khoảnh sân vũ cầu xưa sau dãy hội trường, “cây vợt nhôm” ….đã đi vào dĩ vãng, minh chứng cho một thời “sống để thương nhau” trong môi trường anh em sư phạm trường cũ của tôi: Trường Trung học phổ thông Kon Tum.
TNT56

Kỷ niệm “30 năm hội ngộ trường xưa”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét