Blog ghi lại những cảm nghĩ của tôi , đã qua hơn 60 năm cuộc đời. Từ một chú bé vùng quê ngoại thành Cố đô Huế . Đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe và thấy nhiều điều. Muốn lưu lại vài lời tự sự với mọi người đừng để " Gió cuốn đi!"
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015
Tuổi thơ của Ba tôi
Đến năm 2015, ba tôi đã được 80 tuổi rồi, cái tuổi mà “cổ lai hy” cũng khó mà nhắc nhiều đến những ký ức cách đây sáu bẩy mươi năm...
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
Hoàng Kim Việt: Honda Super Cub tại Việt Nam
Hoàng Kim Việt: Honda Super Cub tại Việt Nam: Một thành công lớn nhất trong lịch sử công nghiệp cơ khí của Nhật Bản là chiếc xe 2 bánh được sản xuất bởi công ty Honda. Đánh dấu sự p...
HŨ RƯỢU RẮN LỤC
Những năm 83-84 ở trường THPT Kon Tum, thị xã Kon tum
cũ có nhận thêm nhiệm vụ nuôi dạy một số học sinh phổ thông dân tộc về nội trú
tại trường. Để tiện việc nuôi dạy các em, Thị xã bàn giao cho trường thành lập
khu cơ sở nội trú cho trường ở bên kia đường quốc lộ 14, ngay bên phải chân cầu
Đăk Bla. Tôi còn nhớ đây là mấy dãy nhà cấp 4 là cơ sở của trường Trung học
Nông Lâm Súc cũ trước 1975, nay đã hoang hóa nên trông rất quạnh hiu. Khi thành
lập khu nội trú có 2 phòng học lớn dành chỗ cho hơn 40 học sinh dân tộc nội
trú. Còn lại là 3 dãy nhà tiền chế 1 mái lợp fibro xi măng, thấp và nóng, làm
chỗ nội trú cho giáo viên và nhân viên, bếp ăn tập thể v.v…Điểm nhấn đặc biệt
của quang cảnh khu nhà nội trú này là có các khoảnh trống rộng rãi, nền cát pha
rất sạch chứ không là đất đỏ ba dan như những khu dân tộc nội trú như ở trường
Thanh niên dân tộc – Vừa học vừa làm Đăkto mà tôi từng dạy năm 78-79. Đặc biệt
là khoảng dăm bảy cây Kơ Nia cao lớn, thân cứng như sắt, gân guốc với những cái
bạnh vè đặc trưng của cây rừng mưa nhiệt đới, có lẽ chúng đã được “chúa rừng”
để lại ngót nghét hằng trăm năm. Thế là, từ một trường phổ thông trung học
chuyển sang một nửa là dân tộc nội trú, sự đan xen, hòa quyện giữa 2 loại hình
này làm nẩy sinh nhiều vấn đề trong quản lý, nuôi dạy, làm kinh tế, sắm sửa cơ
sở vật chất, ô tô…của trường.
Cũng từ đây, sinh ra nhiều câu chuyện thú vị, kỷ niệm
một thời làm thầy giáo trên phố núi vùng cao của tôi và của nhiều thầy cô cùng
trường những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nối thế nghe rất xa xôi,
nhưng quả thực, thời gian trôi qua rất nhanh, như bóng câu qua cửa sổ; hẵng
quên thì thôi, nhưng nếu có ai đó chợt gợi lại, nhắc lại, lập tức như một cuốn
phim ký ức được “retour lại”. Hình ảnh, kỷ niệm xưa cứ tự nhiên tràn về cuồn
cuộn như dòng thác Yaly trên sông Đăkbla yêu dấu, không thể ngăn tràn được.
Trong vô vàn mẩu chuyện đó, tôi nhớ nhất là câu chuyện
“uống thử rượu rắn lục” của anh em giáo viên trong khu nội trú trường cấp 3 Kon
tum ở cầu Đăkbla. Thời đó, để tăng thu nhập cho trường và áp dụng cái gọi là
giáo dục lao động cho học sinh. Năm nào giữa hai học kỳ 1 và 2 là có kỳ lao
động tập trung 1 tuần. Năm đó (1984) trường nhận việc làm cỏ, phát hoang rừng
để trồng cao su của sư đoàn 331 ở Đăk Hà. Trường có xe tải IFA dùng để chở HS
nội trú và thầy cô. Còn học sinh phổ thông tự đạp xe đi lao động cách trường 12
km. Đường đi thì xấu, lại xa, đặc biệt đáng sợ nhất là cái dốc “Đầu lâu” có
phanh …cũng tuột. Thầy trò chúng tôi hồi đó lao động rất miệt mài, khá khen cho
học sinh phố núi vùng cao, đa số các em đều có dụng cụ tốt (rựa, cuốc), kỹ năng
không phải xoàng…Sau bao nhiêu ngày lăn lộn công việc cũng dần xong. Rừng núi
vẫn còn hoang sơ, rắn rít, bò cạp, lợn rừng, trút, nhím …vẫn còn. Đến ngày gần
cuối đợt lao động, lớp thầy Danh dạy Hóa, chủ nhiệm 1 lớp học sinh dân tộc nội
trú, bắt sống được nhiều rắn. Đó là loại rắn lục, thân hình dài thòng và có da
màu xanh lục, trông rất ghê. Thầy Danh, với cái cơ sở “nấu rượu nuôi heo” của
mình ở nội trú đã nhanh tay đem 1 con rắn lục bự cho vào 1 hũ rượu dầm ngay.
Nghe nói là rắn độc thì ngâm rượu rất tốt. Bẵng đi 1 thời gian, trong 1 buổi
chiều Thứ Bảy, sau tiết dạy cuối, nhiều thầy tụ tập ở nội trú tán gẫu và rủ
nhậu lai rai. Rượu vào lời ra, bất chợt mọi người hỏi thầy Danh về cái hũ
rượu…rắn lục có còn không? Các bạn nên nhớ đó là hồi 84, chứ chưa phải như bây
giờ, chưa ai trong số anh em giáo viên biết uống rượu…rắn. Nhưng vì cái tính tò
mò, cả nhóm về phòng thầy để xem. Nhìn cái hũ thủy tinh trong vắt, 1 chú rắn
lục cuộn mình xanh biếc trong cái hũ, màu nước trong hũ cũng xanh lè, ai nhìn
thấy cũng…lắc đầu le lưỡi. Hỏi ai có muốn thử không? Thầy Danh nói: “Tui ngâm
rất kỹ, súc tắm con rắn hết nửa lít rượu nhứt, cho nó uống…rượu no nê, sạch sẽ
rồi mới ngâm. Nhưng tui để 3 tháng rồi mà…hỏng dám uống!”. Mọi người dù đã có
thần tửu Lưu Linh ngấm sơ sơ trong người rồi mà ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nên
nhớ là lúc đó ngoại trừ 1 số thầy cô có gia đình ở khu tập thể, đa số giáo vên
trường cấp 3 Kon tum còn rất trẻ, độc thân, vui tính…và rất…yêu đời, không
ai…muốn chết bởi vì cái hũ rượu rắn lục xanh lè kia. Gan cùng mình nhất là thầy
Lợi (Địa) mà cũng ngán huống gì mấy thầy khác, thầy Lợi có gia đình và đã có
vốn …2 con rồi. Chẳng đặng đừng, tôi bèn mạnh dạn…xung phong “khai hội”. Vốn dĩ
là giáo viên trẻ, là thanh niên sôi nổi, nhưng khi mở cái nắp nylon khằn kín hũ
rượu, rồi đưa mũi ngửi và khe khẽ…lắc đầu, hơn chục con mắt anh em nhìn như hỏi
: “Thế nào?”. Tôi nói: “Thơm lắm! Có muốn uống thử không?” rồi rót ra 1 cốc
nhỏ. Một lần nữa, mọi người lại cương quyết…lắc đầu. Than ôi! Đã lỡ “phóng lao
thì phải theo lao”, tui phải đành nín thở uống cốc rượu vào…cái ực. “Thế nào?”,
mọi con mắt lần nữa nhìn vào xem thử ông Thảo Địa (hay còn có nick là “Thổ
địa”, “Thổ nhưỡng”…gì gì …đó theo cách đặt nick của lũ chỉ thua quỷ và ..ma,
hic) có lăn quay ra giữa sàn nhà mà đi cấp cứu không? Câu trả lời hay nhất của
mình lúc đó là gì đố các bạn còn nhơ không?.......Câu trả lời của mình lúc đó
là : “Cho xin cốc nữa!”. Ha ha, sau “tam bôi xà tửu” thấy đương sự sảng khoái
quá, một loáng sau, hũ rượu chỉ còn trơ…cái hũ. Một tuần sau, sau một buổi
chiều lao động vệ sinh vất vả, nổi cơn ghiền, anh em ghé hỏi hỏi thầy Danh “Thế
nào? Còn (hũ) không?” , và câu trả lời như các bạn có thể đoán ra là: Chỉ còn
cái vỏ, dù đã 3 lần ngâm lại. Ha ha..
…Thời gian rồi dần qua, sau này thị xã thành lập
trường học sinh dân tộc nội trú, trả lại môi trường phổ thông trung học cho đến
bây giờ. Sau bao nhiêu năm đằng đẵng ấy, mà những kỷ niệm xưa, trên vùng cao phố
núi Kon tum hai mùa mưa nắng ấy, vẫn không phai mờ trong ký ức tôi. Bây giờ trở
lại Kon tum, thị xã nay đã trở thành thành phố, phố núi không còn cái nét hoang
sơ, êm ả, dễ mến thương như ngày nào. Hàng cây Kơ nia “Bóng ngả che ngực em, về
nhớ em không ngủ..” dạo nào ở khu nội trú chân cầu Đăbla nay không còn nữa. “Giọt
nước” chỉ còn làn cái khoảnh vườn hoa tuy hoành tráng thế, nhưng đó chẳng phải
là “giọt nguồn” hoang sơ nuôi sống bao con người mộc mạc của núi rừng. Không
còn những sơn nữ ngực trần đi gùi ống bương, ống bầu đựng nước. Và trong chốn
phồn hoa dô hội hôm nay, có những hũ rượu sâm “Ngọc Linh” trị giá hàng chục
triệu đồng, có rất nhiều, rất nhiều những gì gọi là “sơn hào, hải dược”, rượu “tam xà”, “ngũ xà”, “Long phụng hòa
minh”…gì gì đi nữa, hay những chai rượu ngoại cực kỳ đắt giá…Tôi vẫn không quên
cái “Hũ rượu rắn lục” nghĩa tình thuở nào, trong cái gian phòng tập thể nội trú
nhỏ bé, đơn giản, với gia đình anh Danh - Gái, những bạn bè giáo viên một thuở
yêu thương ở ngôi trương thung học phổ thông Kon Tum thân thương ấy./.
TNT56
Huế tháng 5/ 2015
(Viết để kỷ niệm “30 năm hội ngộ trường
xưa” của tập thể học sinh khóa 82 – 85)
Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015
Hoàng Kim Việt: Xe Honda N360
Hoàng Kim Việt: Xe Honda N360: Vào cuối thập niên 1960, miền nam Việt Nam bước qua giai đoạn cơ giới hoá các phương tiện giao thông; một phần do nhu cầu đi lại của dân ...
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)