Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Tuổi thơ của Ba tôi


(Viết theo câu chuyện được ba kể lại khi uống trà buổi sớm...)

      Đến năm 2015, ba tôi đã được 80 tuổi rồi, cái tuổi mà “cổ lai hy” cũng khó mà nhắc nhiều đến những ký ức cách đây sáu bẩy mươi năm...
Sinh ra ở miền quê nghèo khó phía Bắc ngoại thành Huế, là làng Hương Cần Huế...chỉ cách hoàng thành Huế có 6km nhưng cách đây 65 năm là một cuộc sống xa cách như ngày và đêm, mặt trăng và mặt trời....
      Ông nội tôi sinh năm Bính Dần 1866 mà ba tôi sinh năm 1935, tức là khi cụ ông 69 tuổi mà có con áp út, con thứ 30 trong 31 người con ( cụ có 4 bà ). Thế thì cái khoảng cách cha con rất xa cách...Nhất là những năm cuối đời, những năm 1953 lúc cụ ông 87 tuổi thì ba tôi chỉ mới 18, giai đoạn trước khi có hiệp định đình chiến 1954 thật là một thời tao loạn chung quanh nội thành Huế.
       Chiến cuôc 9 năm 1946 đến 1954, Hương Cần là vùng “xôi đậu” của kháng chiến: đồn dân vệ, bảo an của Pháp đóng ở đình làng và chợ, chung quanh là hàng rào kẽm gai và bãi cỏ tranh phát quang ...chống du kích đánh đồn. Bên ngoài làng xóm cứ là bị cô lập, do dân quân Việt Minh kiểm soát. Cái thế đan xen kiểu “da beo” trong chiến trường Đông Dương 1946-1954...... khiến người ta sống ở làng quê xứ Huế thời đó cứ mà khốn khổ: “Bạc (tiền) Việt nam người thương kẻ ghét, bạc Đông dương người nhét kẻ thu”. Muốn đi Bao Vinh, đi Huế mua sắm hàng hóa phải lấy bạc Việt Nam (Việt Minh) đổi ra hàng hóa có thể trao đổi được. Sau đó mang hóa tệ này qua Huế đổi thành bạc Đông Dương để mua hàng đem về chợ bán. Thế là có cái cảnh nếu du kích soát có bạc Đông Dương các mẹ, các chị phải..thu dấu thôi....
         Những tháng cuối năm Tỵ, ở Huế có cơn lụt 1953 mưa lụt rất lớn, nghe nói là xiêu cả cầu Trường Tiền...Trước lụt 53 độ dăm ba ngày, vụ lúa trái ở Hương Cần đang vào thời kỳ thu hoạch cuối, những thửa ruộng “hẻo rằn” chín rộ đợi người người đi gặt. Gặt lúa hẻo phải dùng công cụ là cái lưỡi hái đặc biệt gọi là cái “Vằn gặt” đó là 1 đoạn ngọn tre già có 1 nhánh tre to tách hình chữ V, trên thân tre có gắn 1 lưới dao thép khứa hình răng cưa. Khi gặt, ngưới ta dùng móc kéo túm khóm lúa, sau đó dùng tay tóm gọn khóm lúa, tay kia lật ngược lưỡi hái gặt mạnh cho đứt lìa khóm lúa. Thật là 1 nghệ thuật gặt hái rất đặc trưng của vùng đất quê xưa... Trời chuyển động, chuẩn bị có giông bão, “Thâm Đông, hồng Tây, dựng may, ai ơi ở lại ba ngày hãy đi...”. Cái nóng nực cao độ và khó chịu của thời tiết trước một cơn bão ở Huế thật là khó tả, nóng nực gay gắt, trời khô hanh héo hắt, không khí dường như không có đủ để hít thở...Thế mà vào một buổi chiều khi ba tôi vừa gánh 1 triêng lúa hẻo rằn về quăng xuống cái sân gạch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại...Bỗng ông nghe tiếng gọi ở nhà trên...Con.... hãy vô đây! Nhìn trên nhà trên, bên trong cái vòm cửa cuốn với nét hoa văn trang trí dây lá, sau khung cửa buồng khoa, cụ nội tôi đã bưng chén đậu hũ nước vẫy tay gọi người thanh niên nông dân gầy còm đang lấy tay gạt những giọt mồ hôi trên trán kia vào. Nhận lấy chén đậu hũ, ông rất mừng và ngồi bệt xuống đất để dùng nhưng ông nội tôi kéo ông ngồi vào chiếc ghế trường kỷ ngay gian giữa căn nhà rường chính 5 gian. Vinh dự cho một người con áp út là đầu tiên được ngồi cùng người cha già trên cái ghế trường kỷ bằng gỗ gụ đen bóng. Chiếc ghế này, chỉ khi có khách, có các ông anh con bà mệ chính như bác Nghè, bác Tham, bác Thị...mới được ngồi mà thôi. Uống xong bát đậu, cụ còn đưa thêm 1 bát dừa nạo sóng sánh trong cái chén mem lam xanh rồng ẩn trông rất mát ...và nói: “Bát dừa nạo ni là của dì mi (mẹ của ba tôi) mới đem vô hồi chiều, con dùng cho khỏe”. Uống vội bát nước dừa mà lòng rưng rưng...Ôi! cái tình cảm thiêng liêng vào lúc “cha già, con muộn”...là thế này sao?
         Vụ gặt chưa xong, lúa đang chất đống giữa sân gạch thì 2 ngày sau, mưa to gió lớn, thế là cái lụt 1953 cuốn hết cả sân lúa hẻo rằn trôi theo dòng nước to. Quả là “ông tha mà bà chẳng tha, chẳng qua cái lụt hai mươi ba tháng mưới...”, nhưng nay đang là tháng chín thội. Và mấy ngày sau thì cụ ông cũng mất khi qua tuổi 87. Lúc đó là thời chiến tranh, các con ông có về thăm, bác Nghè cũng chỉ về làng chẩn mạch thăm cha, nhưng 5 giờ chiều ba tôi phải chống ghe đưa ông anh Cả qua Bao Vinh vì nỗi sợ chiến tranh, rồi 7 giờ chống ghe về... Đến tối thì cụ ông mất, chỉ có 2 dì con là bà và ba tôi. Thời buổi chiến tranh, không thể đưa đám trong làng ra nghĩa địa được, gia đình đành phải tẩm liệm cụ ông trong cỗ quan tài “đặc biệt” và mai táng trong vườn trên gần nhà. Mãi 3 năm sau 1956, sau khi hòa bình lập lại, cụ mới được cải táng ra nghĩa địa của làng. Về cái cỗ áo quan “đặc biêt” mà cụ ông đã mai táng cũng đã có 1 câu chuyện kỳ lạ về cái cỗ áo quan này. Đây là cỗ áo quan gằng gỗ xạ hương có sơn son thếp vàng rất đẹp, nghe nói là đồ người Nam Hà dâng cho triều đình Huế làm đồ “ngự dụng” trong cung vua. Cỗ áo quan chung quanh có chạm lọng hình rồng và hoa văn, sơn son thếp đến 4 cây vàng ròng. Sau 1976, có người anh ở Sài gòn ra hỏi cỗ áo quan còn không để sưu tầm và mua lại (?) Chuyện kể rằng cỗ áo quan này là do thợ Nam Hà dâng cho vua Bảo Đại, nhưng do thời thế cuối trào vua quan cũng bị mang công mắc nợ nhiều ngoài dân nên đành phải gán nợ bằng cỗ áo quan tốt này cho Bà “Bộ Vĩnh”, ở cửa Đông Ba. Tương truyền, bà Bộ là một trong những “Phú gia địch quốc” thời đó: Chuyên làm nghề cho vay nặng lãi cho hoàng thân, quốc thích tiền để ...đánh bạc nên rất giàu. Giữ cỗ áo quan ngự dụng trong nhà, bà có đi coi bói gặp ông thầy bói phán rằng bà có số “Bất đắc kỳ tử: chết chỉ có chiếc chiếu bó mà chôn”....bà ta phì cười và không tin được vì vua chúa còn phải nợ bà mà? Thế mà thực tế trên một chuyến đi ra Hà Nội đi đòi nợ, bà bị cướp giết dọc đường ngoài Nghệ An, dân tình không biết bà là ai nên thương hại cho chiếc chiếu bó lại mà chôn thôi! Thế là chiếc áo quan đó được bác Tham tôi (con trai thứ 5 của cụ) mua lại và nói chỉ có cụ nhà lớn tuổi mới hưởng được cái cỗ quan này. Thế mà cái áo quan đó cũng chỉ mang thân xác cụ ông tôi 3 năm, sau đó cải táng ba tôi dùng trấu đốt 3 ngày mới cháy hết. Sau này nhiều người còn tiếc nuối món di vật “đặc biệt” đó mà tìm hỏi lại xem có còn không?..     
         Hồi xưa, giữa Hương Cần và Huế tuy gần nhưng cũng không có phương tiện gì di chuyển cho thuận tiện. Nhà ông nội tôi có sắm 1 chiếc xe kéo nhưng ông tôi khi ngồi lên cho người phu kéo thì cũng áy náy lắm, nên hầu như không mấy khi dùng, chỉ có mấy người con cụ bác Nghè, bác Tham, bác Thị... hay mấy Cô đi phố ...mới thỉnh thoảng phải dùng mà thôi...Vậy phương tiện tốt và êm ái nhất chính là ...đi thuyền nhỏ mà ở miền Trung và Huế gọi là ghe. Chiếc ghe được đan bằng tre cài theo liểu cài nan “lồng kép” rất chắc và chặt, dài độ 4, 5 mét rộng 0,8 m, có nẹp bằng tre ống, và có khoang mở rộng dùng để chứa lúa, hàng, cũng là chỗ ngồi...Sau khi hoàn thành, ghe được trát phân trâu với nhựa cây dành dành cho kín, sau đó phơi khô và trát lại 1 lớp dầu rái hoặc nhựa đường chống thấm nước. Cũng giống như bao phương tiện khác, chiếc ghe ở vùng đồng lúa trũng giữa 2 con sông Hương và sông Bồ quê tôi là cái phương tiện không nhà nào là không có.        Theo ký ức của ba tôi, có một chuyến đi ghe mà ông nhớ mãi và lúc cuối đời của ông nội tôi. Số là hồi những năm 1953, chiến tranh nổ ra, sự đi lại giữa Hương cần và Huế rất khó khăn. Mỗi lần cụ ông tôi cần đi phố (đi Huế) để thăm con, ông đều gọi ba tôi chở đi Huế bằng thuyền ghe. Mỗi lần đi phố, cụ ông đều gọi ba tôi dậy tử sớm, nấu cơm ăn sớm, rồi bới theo 1 mo cau cơm nắm. Chống ghe đi từ sớm trên con đường hói: đường mương nhỏ ngoằn ngoèo từ Hương Cần lên Bao Vinh, qua cống 3 cửa, vào ngược nước Sông Hương, về đỗ bến chùa Diệu Đế. Từ đó, cụ ông đi bộ che dù lên Ngự viên nơi có nhà của mấy bác Tham, bác Thị...để thăm con trai. Cứ mỗi lần có cụ ông lên thăm, quý ông con trai ở Huế đều tập trung đông đủ để hầu thăm cụ. Vậy người con áp út đã chèo ghe chống xuồng vượt 15 km đường sông hói lên đây đang làm gì? Ngồi giữ ghe, chẳng ích gì lắm nhưng nghe ở “Dinh” (Huế) có cỏ rất nhiều và tốt, rất ngon cho trâu ăn. Thế là từ trước ông đã mang theo liềm, đòn xóc, lạt tre ....để chuẩn bị đi cắt cỏ nuôi trâu. Từ cổng ngõ và sau bình phong chùa Diệu Đế: Ôi ngút ngàn cỏ ngon, rất tốt, xanh ngắt một màu và cỏ dài lợp cả thảm non...Thế là ông vội vội vàng vàng, hăng hái cắt gọn gàng...14 bó cỏ, thành 7 đôi triêng gánh bỏ xuống ghe chất đầy ngang nẹp. Sau đó mới giở mo cơm dùng vội bữa trưa. Đến chiều, cụ ông lại ra ghe, chịu khó ngồi trên đống cỏ để ba tôi chống ghe về nhà. Mừng vì đã có 14 bó cỏ ngon giúp đàn trâu nhà đỡ đói đến.... 4-5 ngày những lúc mùa mưa lạnh giá để đủ sức kéo cày vụ Đông.       Tuổi thơ của các cụ chỉ đọng lại những dấu ấn của tình phụ tử, còn lại là những mẫu chuyện lăn lộn mưu sinh. Bền chí trong 30 năm chiến tranh để cùng mẹ tôi nuôi nổi 11 người con. Đến bây giờ, kỷ niệm tươi đẹp nhất trong cuộc đời người nông dân miền Trung không chỉ có thế! Nhưng đó là dấu ấn hằn sâu trong ký ức nhất.
        Bên khung cửa sổ, dưới bầu trời xanh quê hương, nỗi niềm của người như lắng đọng trong lòng tôi bao nỗi xót xa, da diết....Bây giờ chúng ta sống không thiếu cái gì, nhu cầu rất nhiều, nhưng cái ước mơ, mong muốn có được những phút giây bình an, hạnh phúc bên người thân với bao nỗi niềm vì tha nhân có còn đâu nữa? Ôi papa, con mong người mang trong ký ức mình những niềm hạnh phúc nho nhỏ và bền vững mãi...
Hương cần, một chiều Thu 2015





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét