Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Nhớ mãi thuở thanh xuân

 


NGÔI TRƯỜNG CỔ TRONG THÀNH NỘI HUẾ!

            Đó là trường Trung học Hàm Nghi, Huế những năm đầy biến động ở thành phố Huế 1967. Mùa hè 1967, sau khi tản cư lên thành phố, ở trong Thành Nội, tôi được ba tôi cho đi học lớp luyện thi vào Đệ Thất tại trường tiểu học Đào Duy Từ để nộp đơn thi vào lớp Đệ thất, trường Trung học Hàm Nghi. Luyện thi bảo đảm, nếu đậu mới nộp tiền. Nơi thi là tường Tiểu học Trần Quốc Toản, gần cửa Thượng Tứ. Hôm thi thật là náo nhiệt, kẻ ném phao, có kẻ đọc lời bài giải oang oang trên loa phóng thanh…; thầy cô giám thị thì cứ nhắc: “Đừng nghe họ đọc, coi chừng trật đó?” . Hồi đó lớp Nhất mà thi Toán khó ghe: Nào là số học, sợ nhất là Toán giải động tử: Vòi lước A mở lúc mấy giờ? Sau đó vòi nước B mở ? Vòi C thoát ra? Hỏi bao giờ thì bể nước đầy?v.v…Hay xe 1 chạy lú / giờ vận tóc là…? Đến ? giờ xe B chạy ?...Hỏi đoạn đường dài ? km? v.v…Thế rồi đến ngày có bảng kết quả, làng tôi chỉ có 2 bạn trúng tuyển, còn lại về học trường quận, hay vào Bán Công, Tư thục Bồ Đề hay La san, Thiên Hựu v.v…

            Ngôi trường đó nằm giữa của Ngăn và cửa Thượng Tứ. Trước trường là 2 bãi cỏ rộng mênh mông. Nghê nói hồi xưa là nơi quần ngựa, quần voi của triều đình. Sau cửa Thượng tứ là sân bóng đá Hàm Nghi (Đội bóng á địch chỉ thua trường Nguyễn Tri Phương). Sau cổng chính là khoảnh sân với Di Luân Đường, một ngôi nhà lớn bề thế nền bằng đá Thanh, bậc cấp có rồng chầu. Trong có bàn thờ Thánh đạo Nho là Khổng tử, với lọng, tán , che bàn thờ có ảnh. Chung quanh là những dãy nhà học với Thư viện, nhà Thí nghiệm…Phía sau trường là Tàng Cổ Viện Huế, khi nào cũng đóng cửa với những khẩu súng thần công, vài quả đạn tròn tròn lăn lóc mà tụi học trò hay vân vê tò mò mỗi giờ ra chơi…

            Đệ Thất Hàm Nghi năm 1967 chỉ có 4 lớp: Từ Thất 1-3 có sinh ngữ chính là Anh văn, Thất 4 học Pháp văn. Mình học Thất 1 với bạn Bửu, HĐQ Tuấn, Vị , Cư, TTL Nhân, Hiếu, TT Nhân, Hưng, và đặc biệt có bạn Phước (bị liệt 2 chân, đi học chống nạng) gần nhà mình nhất (đường Phùng Hưng) giao với Lê Văn Duyệt).

            Đến sau chiến cuộc Mậu Thân 1968, sau lớp đệ Lục, Đệ Ngũ..thì đổi tên lớp thành lớp 6, 7, 8, và lớp 9 tức đệ Ngũ năm 1971. Hồi đó, trường Trung học Hàm Nghi chỉ có nam sinh. Hình như sau Mùa Hè đỏ lửa 1972, do số học sinh tản cư từ Quảng Trị và các huyện về thành phố đông, trường mới nhận thêm nữ sinh vào (lúc đó mình đã vào học lớp 10 Công Thôn, trường Nông Lâm Súc- Huế).

            Một học sinh ở xa nhà, trọ học với bà nội già và ông chú đi lính…là khó tập trung cho việc học. Đó là giai đoạn cái sự học hành của tôi sụt dốc nhất. Ngoài môn Nhạc và Hoạ , Việt văn ra, thì môn nào cũng có điểm nhì nhằng ,chỉ vừa mức TB khá. Tuổi thơ học trò luôn thơ thẩn với sách báo Tuổi hoa. Hằng ngày tan học về là về nhà Tuấn , Vị, Hiếu, Nhân, Hưng… ôm từng bộ báo tuổi hoa ra đọc say mê hết muốn về nhà. Rồi đi học về ngang nhà sách Khánh Quỳnh cho thuê truyện: Vậy là những bộ truyện tranh Batman, Superman, Tin Tin, Lucky Luke…. Chiếm hết thời gian   sau giờ đi học. Có 1 buổi cầm luôn cuốn truyện tranh vào lớp học bị cô giáo cho cặp trứng ngỗng to đùng!


            Môn học thính nhất và mấy lần làm “sơ mi” lớp là môn vẽ của thầy Nguyên. Thầy Nguyên ở Tỳ bà trang, đối diện với trường dạy môn vẽ . Thầy cho 16 điểm bài thi học kỳ của mình với bức tranh “Ánh trăng Trung Thu miền quê” , bức tranh “ Lăng Tự Đức” cũng được 16 điểm, nhất lớp (Những bức tranh này đều lấy cảm hứng trư tranh bìa “Tuổi Hoa” của hoạ sĩ Vi Vi). Rồi thầy Tâm Thiện Tuấn dạy môn Nhạc với cái âm thoa nốt Đô rền vang trong giờ học Nhạc, cây violon huyền diệu…khiến bọn học trò hầu như đứa nào cũng mê nhạc và ghi danh học thêm đàn ở trường Quốc Gia Âm nhạc trong Đại Nội. Môn Văn học thì mình nổi tiếng với bài thuyết trình “Cái ấm đất” của Khái Hưng, với giọng “te no” đến giờ nhiều bạn còn nhớ sau 60 năm?... Ôi! Tuổi học trò có những khi lầm lũi mặc áo mưa đi học về lang thang trên đường “Phượng bay” Đoàn Thị Điểm; đường Đinh Bộ Lĩnh với hàng cây nhãn sù sì. Đường chờ vào học trước Di luân đường với 2 hàng cây Mù U, mà đi học về, đứa nào cũng gỡ vài mảnh vỏ cây mềm, lấy con dao mổ nho nhỏ để khắc dấu tên mình, dấu chữ ký…rồi lấy mực học trò đóng lên mấy trang giấy vở…Kỷ niệm mới đẹp đẽ và thân thương bấy nhiêu?

            Trong lớp học, mình ngồi bên bạn HĐQT, bạn có biệt tài viết bài trên giấy vở thật đẹp. Trông như trang sách: Mỗi tiêu đề là chữ in có nét chân, tô nổi 3D, còn hàng chữ thẳng đứng chân phương khiến nhiều bạn ( kể cả tôi) bắt chước. Đến lớp 9 thì phong trào bắt chước nét chữ của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, làm mất nét chữ chân phương đó, và thay vào vở là nét chữ phăng của nhạc sĩ họ Trịnh…Đúng là một thuở mông lung, thăng trầm như những biến động của thời cuộc chiến tranh…

            Thứ hai đầu tuần, toàn bộ học sinh phải mặc đồng phục áo trắng quần trắng, đứng chờ vào trường 2 bên đường tránh dưới tán lá 2 hàng Mù u, Long não…Được nhìn ngắm đoàn xe của thầy cô đến trường trước. Nào là chiếc Mercedes màu đen bóng lộn của thầy Phiên, hiệu trưởng. Nghe nói là chiếc xe sang nhất Huế mà mỗi khi có Tổng thống ra Huế đều đi xe nầy. Chiếc Peogeut 403 của thầy Tổng giám thị LHK…Oách nhất là chiếc xe Jeep rằn ri của thầy Bằng với bộ đồ lính và chiếc mũ đỏ lính dù,…Công nhận thuở đó, các giáo sư của trường tôi toàn là người sang trọng, đáng kính vậy…

           


Nghỉ giữa tiết, đổi phòng học, đổi giờ, bọn học trò lại tha thẩn kéo nhau vào chơi Đại Nội. Chỉ thấy toàn cỏ lau, cỏ tranh che phủ những kiến trúc cổ xưa của Đại Nội đã bị chiến cuộc Mậu Thân 1968 tàn phá tan hoang. Một vài bà cụ cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn hướng dẫn cho mấy bạn nhỏ tập múa đèn, múa quạt…Cả bọn kéo nhau đi tìm mảnh đạn trên góc thành Ngọ Môn, nghe đồn có 2 anh chị ôm nhau tự tử bằng lựu đạn vì cha mẹ không đồng ý cho họ kết hôn (dấu mảnh  đạn bây giờ vẫn còn…). Rồi tan học về, lại nhà bạn Phước trong khu gia binh đồn Quân tiếp vụ để đánh bóng bàn. Phải  công nhận, vừa đi nạng, vừa đánh bóng bàn mà bạn không chịu thua ai? Ba của bạn là hội trưởng hội phụ huynh trường Hàm Nghi, nên mỗi cuối năm treo thưởng rất nhiều (có học sinh danh dự toàn trường thuê cả xe xích lô để chở sách vở phần thưởng). Đứng đầu lớp luôn luôn là bạn Thiết, nhà đạp xích lô nhưng học giỏi ( sau này là GV dạy Toán). Nhiều bạn học trong lớp sau này đỗ vào nhiều trường danh tiếng như Phú Thọ, Y khoa, Sư phạm…

Đến 1972, khi ở trọ trong nhà với ông bác dạy trường Nông Lâm Súc, mình lại nộp đơn vào học Nông Lâm Súc để học ban Công Thôn (ban Toán và công nghiệp nông thôn). Ngành học được rập theo mô hình giáo Dục Cộng đồng do chương trình hậu chiến để xây dựng quê hương. Vậy là mình giã từ ngôi trường cổ Quốc Tử Giám Hàm Nghi để vào Trung học Nông Lâm Súc Huế. Từ giã con đường Phượng bay, để tay bút vở, tay đồ nghề trong ngôi trường mới!


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Kỷ niệm Ngày xưa đi học: 60 năm trước tôi vào lớp học I tờ…

60 năm trước tôi vào lớp học I tờ…


Năm 1962, khi gần tròn 5 tuổi, mẹ tôi dắt tôi đi học lớp I tờ đầu tiên…Đó là vào học lớp “5 B” trường làng, tức là lớp dự bị vào tiểu học, hay còn gọi như lớp mẫu giáo lớn bây giờ. Một buổi sớm mùa Thu, trên con đường xóm lầy lội, con đường đất nhỏ, một bên lỗ chố dấu chân trâu, một bên là lối đi nhỏ điểm xuyết vài mẩu gạch vồ cho khỏi lún, tôi được dẫn đi học buổi đầu tiên. Mẹ dẫn tôi đến ngôi trường tranh tre phên liếp nhỏ bé gồm 2 gian ở một bên đình làng Hương cần, sau lưng đình Giáp Trung.

            Ngôi trường mái tranh đơn sơ chỉ có 2 gian, bàn là mấy tấm gỗ cũ kỹ có khoét lỗ để bỏ hũ mực tím. Ghế cho các trò ngồi là 2 ống tre khô ghép lại, đặt chênh vênh trên nền đất cát. Nhưng đó là những hình ảnh mà với một đứa trẻ 5 tuổi như tôi, sau 60 năm vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm của ngày đầu đi học.

            Học cụ của những cô cậu trò nhỏ là 1 cuốn tập viết ô ly, cuốn sách học vần “ I tờ”, cuốn sách chỉ bé bằng bàn tay người lớn, vốn soạn ra cho bình dân học vụ để truyền bá chữ Quốc ngữ. Trang đầu tiên là chữ I t ( đọc là I tờ) rồi tờ I ti…Bởi vậy mà sau nầy có cụm từ “ Thuở nhỏ, tuổi còn học I tờ đó”. Nhưng học vần, tập kẻ gạch đứng, gạch ngang sao cho thẳng… cũng không vui bằng buổi ra chơi. Có cái sân đình rộng mát, với mấy cây bàng xoè bóng, tôi mê mẩn ngắm nhìn con Nghê được khắc trên tấm bình phong Long mã của đình. Hình ảnh con ngựa đầu rồng cõng trên lưng hộp sách và cây bút như nhắc nhở huyền thoại cá chép vượt vũ long, mong cho ta chăm học thành tài cho tương lai vậy. Thích thú khi được cưỡi trên 2 con sư tử bằng xi măng 2 bên hiên đình, tôi nghĩ nó làm bằng đá gì mà trên bóng, thích trượt vậy? Rồi nhìn vào trong đình làng, ấn tượng nhất là nỗi sợ “con gà tây” trong điện thờ thần? Sau này tôi mới biết là hình chữ THẦN trong đình viết băng chữ Hán, có hoa văn với nét bút Hán tự trông giống cái đầu của con gà tây trong xóm sau nhà tôi: Nhà ôn Phòng, dòng Hoàng tộc, có nuôi 2 con gà Tây, nó hay kêu và rượt lũ nhóc tôi chạy dài đầu xóm…Vào lớp học, cô giáo lúc nào cũng lăm le cây thước gỗ rõ to, đứa nào hoang nghịch cô Tri có lần phạt “quỳ xơ mít”. Số là trường gần chợ, nên có sẵn vỏ quả mít để cô dùng. Nhiều trò hoang nghịch, cô cho lên bảng quỳ trên vỏ mít ( chứ không phải trên xơ), đó là nỗi sợ nhất và là hình phạt nặng nhất của cô Tri. Cô ơi! Dù bây giờ sau 60 năm, nhưng cây thước và mấy đám xơ mít của cô, chính nhờ nỗi sợ đó, mà chúng em chăm ngoan lo học để sau này thành người sống tử tế trên đời!

            Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, kỷ niệm về ngôi trường nhỏ bé đó còn ghi nhớ trong tôi đó là những đêm mẹ dẫn đi xem hát bội ở sân trường. Tôi ngẩn ngơ nhìn các diễn viên: Sao họ cứ muốn như ăn cái cục tròn tròn để trên cái gậy gì đó? Ai cũng dành nhau đến như muốn chạm vào nó? À, thì ra sau này tôi mới biết đó là cái micro cho diễn viên hát! Lại có những buổi chiều xem mô tô bay trên cái giếng tròn lớn bằng gỗ dựng giữa sân trường. Ôi những nghệ sĩ mới tài giỏi làm sao? Rồi thời gian cũng qua mau. Năm sau tôi đủ tuổi để vào lớp Năm A (tức là vào lớp 1 bây giờ). Lớp 5A thì chuyển lên học trường tiểu học, giã từ 2 gian trường nhỏ mái tranh liêu xiêu để lên trường nhánh, vách xây, mái lợp tôn.

            Lên lớp Năm, học trò đã được học viết, tập cọng trừ nhiều hơn. Thầy giáo là thầy T. ở phe Trung, khi nào miệng thầy cũng có ngậm 1 điếu thuốc vấn “Cẩm Lệ”. Ngoài dạy đọc viết, làm toán, thầy còn cho diễn kịch, dạy “đạo làm người” cho các trò. Có một lần, thầy lấy cái tủ đựng học cụ làm cái….bàn thờ tổ tiên. Thầy gọi các trò lên…tập cúng lạy? Tụi nhỏ khúm núm lên thầy tập lạy cúng… Nhưng thì thoảng lại có tro B. cúng lạy rất dẻo, thầy khen và cho luôn 10 điểm? Rồi lên lớp Tư, lớp Ba; sau đó mới lên lớp Nhì, cuối bậc Tiểu học là lớp Nhất. Nếu đậu Tiểu học phải thi vào Đệ Thất ở trên Huế để vào Trung học đệ nhất cấp ( tương đương TH cơ sở bât giờ)

            Bao năm tháng trôi qua, giờ đây em vẫn còn nhớ cô Dung, cô Tuý (gù lưng), thầy Mừng…thầy dạy lớp Nhất B. Thầy đi chếc xe Gobel (Sache) của Đức. Thầy Đạt điển tra, với chiếc Lambretta xịn sò thuở đó…Nhớ những buổi sáng thứ 2 chào ờ, mà cả hàng người đang đi ngoài đường ngang qua trường phải dừng lại, ngả nón, đứng im để dự chào cờ…Nhớ những buổi làm thủ công với những món đồ nặn bằng đất sét phơi khô như con trâu, con lợn, chiếc tu huýt, ô tô, cái Radio… bằng đất sét mà có bánh xe dò đài lăn lăn được, cái bảng tên trò thắc trên đát mà mình lấy màu phẩm hường của bà ngoại (làm nghề thợ hàng mã) để tô viền cho đẹp…Ôi! Tuổi thơ đi học đã đi qua hơn 60 năm rồi mà như thoáng qua như giấc mộng.



            Trẻ con thôn quê xưa quả là không thiếu trò chơi, nhưng hầu hết là trò chơi thô dã mộc mạc, nó làm say đắm khiến không kịp về nhà ăn cơm nên bị ba mẹ la mắng. Là vùng quê sông nước, nên đua ghe là trò chơi truyền thống. Có nhiều kiểu đua ghe con nít, phổ biến nhất là “Xụa ghe”, mỗi đứa lấy rựa vô bụi tre chặt lựa 1 nhánh nè ngon mắt nhất: có dáng cong cong, thân suôn thẳng. Chặt về, lau sạch mắt rồi phơi khô trên mái nhà (kẻo bị tịch thu). Xong xuôi rồi đẽo gọt đầu roi nè thành từng khoanh nhỏ, lấy mực xanh, mực đen, mực đỏ… sơn lên làm ghe mực. Có câu “ Mực đỏ lái vàng, đi mô nhứt nấy là làng của ta…” Rồi xếp hàng, chuẩn bị phóng ghe dọc xóm. So tài nhất nhì ba…Có khi ghe chui vào bụi khó phân hơn thua, cũng cố vạch lá …so đua tài?...Chán ròi thì cặp chèo, 1 ghe 2 chú, đằng mũi ôm que nè, đằng đuôi que chèo, chạy bơi cho đến đích… Khi chán thì “Căn cù u óc, cấm khóc cấm la”, “Tán lon”, “Khẻ tường”, bắn bi “On cú lỗ…đơ” (Tiếng Pháp 1 về lỗ 2 bắn bi…).. Thật đáng tiếc, giờ đã lâu, đô thị hoá, bê tông hoá đường làng, ngõ xóm, những trò chơi như trên của trẻ nay không còn nữa. Trẻ giờ chi nhỉ thích nhìn vào màn hình Led, đi chơi vận động chân tay …trở thành món xa xỉ, chỉ dành cho những kỳ nghỉ của những gia đình có điều kiện…Tiếc thay!

            Thế rồi sau những đêm dài đầy biến động của cuộc chiến, những đêm nằm ngủ dưới tấm phản dày ở nhà bà nội vì sợ mảnh bay, đạn lạc. Rồi đến trận chiến 1967 ở làng An Thuận kề bên. Nhà tôi phải tản cư lên thành phố, ở trong Thành Nội Huế. Tôi được ba tôi nộp đơn thi đậu vào lớp Đệ Thất 1, lớp Anh văn của trường Trung học Hàm Nghi niên khoá 1967-1968. Từ đó, khi cả nhà hồi quê, tôi tiếp tục chặng đường trọ học trong nhà mình cùng với bà nội, ông chú và bà chị họ cho đến 1975. Qua một giai đoạn đi học tiểu học ở ngôi trường làng quê Hương cần.

    ( Viết từ những ngày nghỉ hiếm hoi ở Heinrietta, Rochester, NY... Nhớ thuở thiếu thời)


NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NGHỀ GIÁO



 CẢM NGHĨ 20-11...

NGÀY ĐẦU TÔI ĐI DẠY…

…Daktơcan, mùa khô hanh 1978

Cầm trong tay tờ quyết định số 1048 của Bộ Giáo dục Hà Nôi, với danh sách trích ngang

 …”Nay điều động ông (bà) Trần N.Thao từ giáo viên miền xuôi lên dạy học ở miền núi tại ty Giáo dục Gialai Kotum”.. Mình cùng 11 bạn giáo viên mới lên Ty trình diện vào cuối tháng 8-1978. 

Cả bọn được vào nghỉ trong phòng khách Ty giáo dục Gia Kon. Độ dăm ngày chờ đợi thì được quyết định nhận nhiệm sở. Lớp mình lên đây 2 giáo viên dạy Địa thì Kiểm được phân về An Khê, trường TNDT-VHVL ( Thanh niên dân tộc – Vừa học vừa làm) Derba, quê hương của Anh hùng Núp. Còn mình thì có quyết định về trường TNDT-VHVL Dakto, thuộc xã Kon Đào, Daktocan…. Vậy là 2 ông “dạy Địa” đều được phong đi đất anh hùng, ác liệt nhất thời chiến tranh…

Ngày lên xe đò về Dakto tại bến xe Gialai, Kiểm còn chạy theo dúi vô tay tặng mình gói thuốc Đà Lat, nói: ... “Thảo ơi! Mi đi dạy xa nhất gần 3 biên giới lạnh lắm, đem theo gói Dalat hút cho ấm lòng…”. Thuở đó xe đò nhỏ, chạy xăng hay than gì đó, cứ chầm chậm nuốt 100 km đường QL14 còn loang lổ hố đạn, đi ngược về Tân Cảnh, Đakto. Đến chiều xe về Tân Cảnh, một thị trấn nhỏ bên đường QL14 đèo heo hút gió, mới xây dựng sau 1973. Ngôi nhà xây duy nhất là cửa hàng mậu dịch, vào ăn tô phở nhạt, ra đường đứng ngó lơ ngơ, hỏi đường lên trường VHVL… Chợt gặp 1 anh dân tộc mang gùi, tay dắt chiếc xe đạp Thống Nhất xớ rớ đi tới, nói được tiếng Kinh bập bẹ: 

“Mình la Bờ- Brao Bot, dạy ở trương đ.. đây, đường lên trường VHVL ...còn xa lắm, ..12 cây số đi bộ nữa! Để mình dẫn đi cho..." May mà có chiếc xe đạp cà tàng của Brao Bọt, không thì mình rõ khổ với 1 cái ba lô to đùng, nặng 20 cân, may từ áo giáp trận…toàn đầy sách vở, kinh thư đại học…không biết bao giờ mới cõng đến nơi?

...Ôi! cái cảm giác đầu tiên được đi làm nghề dạy học, lại ở 1 vùng xa tít tắp, thật khó tả khôn cùng. Đến bây giờ, sau 40 năm, vẫn như còn in dấu... Ba mình ở miền Nam làm công chức VNCH, học cải tạo Ba lạch, Bình điền 2 năm. Nhờ được trả về địa phương năm 1977, nên 1978 mình mới được công nhận “đã học xong sư phạm" hệ đào tạo "dài hạn 4 năm” chứ chưa công nhận tốt nghiệp đại học. Sau này, khi công tác tốt mới được nộp đơn xin tốt nghiệp. Và dù là sinh viên đỗ loại khá, nhưng yêu cầu nhiệm sở là đi miền núi là may mắn lắm rồi. Lên trường VHVL Dakto, dạy lớp 4B cho các em thanh niên dân tộc thiểu số..Bỗng nhiên thấy cái ba lô sinh viên với hơn 20 kg sách vở chuyên môn hầu như không còn cần thiết nữa….Sau này đi dạy chỉ cần cây bút, viên phấn, cái rựa và …1 khẩu súng AR15…là đủ sống và dạy học ở đây rồi.

Đường đi đất đỏ quanh co, lên đồi leo toàn dốc đá. Thỉnh thoảng chỉ gặp ven đường từng tốp đồng bào Gỉe, Striêng, Xê đăng…mang gùi, cầm rựa đi rẫy. Hay từng đoàn người cựu sĩ quan miền Nam trong bộ đồ tù cải tạo đi trên đường lẫm lút xa mờ…Bỗng nhiên, chợt thương cho ba mình đã từng đi như thế trên vùng biên giới Việt Lào A lưới…

Cảm ơn anh Brao Bọt, không có anh chắc tui tới tối mới bò lên đến trường. Vừa đi đường vưa ngắm cảnh đến chiều cũng đến...trường tôi! 

Bên đường QL14 cũ, có hai hàng cây Muồng, họ đậu to lớn trồng từ thời Pháp, là ngôi trường Thanh Niên dân tộc, vừa học vừa làm Đắc Tô. Ngôi trường xây khá khang trang ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sau hiệp định Paris 1973, vùng Dakto thuộc về CH miền Nam Việt Nam, vậy nên trường được đầu tư xây dựng điểm theo kiểu mô hình giáo dục tập trung của nhà giáo Makarenco; Liên Xô cũ. Trường sau 1975 được phong là đơn vị Anh hùng đầu tiên của Miền Nam, sau trường TNDT Hòa Bình, ngoài Bắc.

...Ngôi trường đầu tiên mình đi dạy học là thế đó! Sau này dù chỉ dạy nửa năm, nhưng những dấu ấn đầu tiên khi đi dạy ở một trường miền núi vẫn khắc sâu trong lòng. Mãi sau này về Thị xã Kontum dạy học 10 năm ở trường Cấp 3 Kontum, mà mình vẫn không quên được…(Còn nữa)

...Một vài hình ảnh thăm lại trường xưa sau 38 năm…