Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NGHỀ GIÁO



 CẢM NGHĨ 20-11...

NGÀY ĐẦU TÔI ĐI DẠY…

…Daktơcan, mùa khô hanh 1978

Cầm trong tay tờ quyết định số 1048 của Bộ Giáo dục Hà Nôi, với danh sách trích ngang

 …”Nay điều động ông (bà) Trần N.Thao từ giáo viên miền xuôi lên dạy học ở miền núi tại ty Giáo dục Gialai Kotum”.. Mình cùng 11 bạn giáo viên mới lên Ty trình diện vào cuối tháng 8-1978. 

Cả bọn được vào nghỉ trong phòng khách Ty giáo dục Gia Kon. Độ dăm ngày chờ đợi thì được quyết định nhận nhiệm sở. Lớp mình lên đây 2 giáo viên dạy Địa thì Kiểm được phân về An Khê, trường TNDT-VHVL ( Thanh niên dân tộc – Vừa học vừa làm) Derba, quê hương của Anh hùng Núp. Còn mình thì có quyết định về trường TNDT-VHVL Dakto, thuộc xã Kon Đào, Daktocan…. Vậy là 2 ông “dạy Địa” đều được phong đi đất anh hùng, ác liệt nhất thời chiến tranh…

Ngày lên xe đò về Dakto tại bến xe Gialai, Kiểm còn chạy theo dúi vô tay tặng mình gói thuốc Đà Lat, nói: ... “Thảo ơi! Mi đi dạy xa nhất gần 3 biên giới lạnh lắm, đem theo gói Dalat hút cho ấm lòng…”. Thuở đó xe đò nhỏ, chạy xăng hay than gì đó, cứ chầm chậm nuốt 100 km đường QL14 còn loang lổ hố đạn, đi ngược về Tân Cảnh, Đakto. Đến chiều xe về Tân Cảnh, một thị trấn nhỏ bên đường QL14 đèo heo hút gió, mới xây dựng sau 1973. Ngôi nhà xây duy nhất là cửa hàng mậu dịch, vào ăn tô phở nhạt, ra đường đứng ngó lơ ngơ, hỏi đường lên trường VHVL… Chợt gặp 1 anh dân tộc mang gùi, tay dắt chiếc xe đạp Thống Nhất xớ rớ đi tới, nói được tiếng Kinh bập bẹ: 

“Mình la Bờ- Brao Bot, dạy ở trương đ.. đây, đường lên trường VHVL ...còn xa lắm, ..12 cây số đi bộ nữa! Để mình dẫn đi cho..." May mà có chiếc xe đạp cà tàng của Brao Bọt, không thì mình rõ khổ với 1 cái ba lô to đùng, nặng 20 cân, may từ áo giáp trận…toàn đầy sách vở, kinh thư đại học…không biết bao giờ mới cõng đến nơi?

...Ôi! cái cảm giác đầu tiên được đi làm nghề dạy học, lại ở 1 vùng xa tít tắp, thật khó tả khôn cùng. Đến bây giờ, sau 40 năm, vẫn như còn in dấu... Ba mình ở miền Nam làm công chức VNCH, học cải tạo Ba lạch, Bình điền 2 năm. Nhờ được trả về địa phương năm 1977, nên 1978 mình mới được công nhận “đã học xong sư phạm" hệ đào tạo "dài hạn 4 năm” chứ chưa công nhận tốt nghiệp đại học. Sau này, khi công tác tốt mới được nộp đơn xin tốt nghiệp. Và dù là sinh viên đỗ loại khá, nhưng yêu cầu nhiệm sở là đi miền núi là may mắn lắm rồi. Lên trường VHVL Dakto, dạy lớp 4B cho các em thanh niên dân tộc thiểu số..Bỗng nhiên thấy cái ba lô sinh viên với hơn 20 kg sách vở chuyên môn hầu như không còn cần thiết nữa….Sau này đi dạy chỉ cần cây bút, viên phấn, cái rựa và …1 khẩu súng AR15…là đủ sống và dạy học ở đây rồi.

Đường đi đất đỏ quanh co, lên đồi leo toàn dốc đá. Thỉnh thoảng chỉ gặp ven đường từng tốp đồng bào Gỉe, Striêng, Xê đăng…mang gùi, cầm rựa đi rẫy. Hay từng đoàn người cựu sĩ quan miền Nam trong bộ đồ tù cải tạo đi trên đường lẫm lút xa mờ…Bỗng nhiên, chợt thương cho ba mình đã từng đi như thế trên vùng biên giới Việt Lào A lưới…

Cảm ơn anh Brao Bọt, không có anh chắc tui tới tối mới bò lên đến trường. Vừa đi đường vưa ngắm cảnh đến chiều cũng đến...trường tôi! 

Bên đường QL14 cũ, có hai hàng cây Muồng, họ đậu to lớn trồng từ thời Pháp, là ngôi trường Thanh Niên dân tộc, vừa học vừa làm Đắc Tô. Ngôi trường xây khá khang trang ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sau hiệp định Paris 1973, vùng Dakto thuộc về CH miền Nam Việt Nam, vậy nên trường được đầu tư xây dựng điểm theo kiểu mô hình giáo dục tập trung của nhà giáo Makarenco; Liên Xô cũ. Trường sau 1975 được phong là đơn vị Anh hùng đầu tiên của Miền Nam, sau trường TNDT Hòa Bình, ngoài Bắc.

...Ngôi trường đầu tiên mình đi dạy học là thế đó! Sau này dù chỉ dạy nửa năm, nhưng những dấu ấn đầu tiên khi đi dạy ở một trường miền núi vẫn khắc sâu trong lòng. Mãi sau này về Thị xã Kontum dạy học 10 năm ở trường Cấp 3 Kontum, mà mình vẫn không quên được…(Còn nữa)

...Một vài hình ảnh thăm lại trường xưa sau 38 năm…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét