60 năm trước tôi vào lớp học I tờ…
Năm 1962, khi gần tròn 5 tuổi, mẹ
tôi dắt tôi đi học lớp I tờ đầu tiên…Đó là vào học lớp “5 B” trường làng, tức
là lớp dự bị vào tiểu học, hay còn gọi như lớp mẫu giáo lớn bây giờ. Một buổi sớm
mùa Thu, trên con đường xóm lầy lội, con đường đất nhỏ, một bên lỗ chố dấu chân
trâu, một bên là lối đi nhỏ điểm xuyết vài mẩu gạch vồ cho khỏi lún, tôi được
dẫn đi học buổi đầu tiên. Mẹ dẫn tôi đến ngôi trường tranh tre phên liếp nhỏ bé
gồm 2 gian ở một bên đình làng Hương cần, sau lưng đình Giáp Trung.
Ngôi trường
mái tranh đơn sơ chỉ có 2 gian, bàn là mấy tấm gỗ cũ kỹ có khoét lỗ để bỏ hũ mực
tím. Ghế cho các trò ngồi là 2 ống tre khô ghép lại, đặt chênh vênh trên nền đất
cát. Nhưng đó là những hình ảnh mà với một đứa trẻ 5 tuổi như tôi, sau 60 năm vẫn
còn nhớ như in những kỷ niệm của ngày đầu đi học.
Học cụ của
những cô cậu trò nhỏ là 1 cuốn tập viết ô ly, cuốn sách học vần “ I tờ”, cuốn
sách chỉ bé bằng bàn tay người lớn, vốn soạn ra cho bình dân học vụ để truyền
bá chữ Quốc ngữ. Trang đầu tiên là chữ I t ( đọc là I tờ) rồi tờ I ti…Bởi vậy
mà sau nầy có cụm từ “ Thuở nhỏ, tuổi còn học I tờ đó”. Nhưng học vần, tập kẻ gạch
đứng, gạch ngang sao cho thẳng… cũng không vui bằng buổi ra chơi. Có cái sân đình rộng mát, với mấy cây bàng xoè bóng, tôi mê mẩn ngắm nhìn con Nghê được
khắc trên tấm bình phong Long mã của đình. Hình ảnh con ngựa đầu rồng cõng trên
lưng hộp sách và cây bút như nhắc nhở huyền thoại cá chép vượt vũ long, mong
cho ta chăm học thành tài cho tương lai vậy. Thích thú khi được cưỡi trên 2 con
sư tử bằng xi măng 2 bên hiên đình, tôi nghĩ nó làm bằng đá gì mà trên bóng,
thích trượt vậy? Rồi nhìn vào trong đình làng, ấn tượng nhất là nỗi sợ “con gà
tây” trong điện thờ thần? Sau này tôi mới biết là hình chữ THẦN trong đình viết
băng chữ Hán, có hoa văn với nét bút Hán tự trông giống cái đầu của con gà tây
trong xóm sau nhà tôi: Nhà ôn Phòng, dòng Hoàng tộc, có nuôi 2 con gà Tây, nó
hay kêu và rượt lũ nhóc tôi chạy dài đầu xóm…Vào lớp học, cô giáo lúc nào cũng
lăm le cây thước gỗ rõ to, đứa nào hoang nghịch cô Tri có lần phạt “quỳ xơ mít”.
Số là trường gần chợ, nên có sẵn vỏ quả mít để cô dùng. Nhiều trò hoang nghịch,
cô cho lên bảng quỳ trên vỏ mít ( chứ không phải trên xơ), đó là nỗi sợ nhất và
là hình phạt nặng nhất của cô Tri. Cô ơi! Dù bây giờ sau 60 năm, nhưng cây thước
và mấy đám xơ mít của cô, chính nhờ nỗi sợ đó, mà chúng em chăm ngoan lo học để
sau này thành người sống tử tế trên đời!
Thời gian cứ
thấm thoát trôi qua, kỷ niệm về ngôi trường nhỏ bé đó còn ghi nhớ trong tôi đó
là những đêm mẹ dẫn đi xem hát bội ở sân trường. Tôi ngẩn ngơ nhìn các diễn
viên: Sao họ cứ muốn như ăn cái cục tròn tròn để trên cái gậy gì đó? Ai cũng
dành nhau đến như muốn chạm vào nó? À, thì ra sau này tôi mới biết đó là cái
micro cho diễn viên hát! Lại có những buổi chiều xem mô tô bay trên cái giếng
tròn lớn bằng gỗ dựng giữa sân trường. Ôi những nghệ sĩ mới tài giỏi làm sao? Rồi
thời gian cũng qua mau. Năm sau tôi đủ tuổi để vào lớp Năm A (tức là vào lớp 1
bây giờ). Lớp 5A thì chuyển lên học trường tiểu học, giã từ 2 gian trường nhỏ
mái tranh liêu xiêu để lên trường nhánh, vách xây, mái lợp tôn.
Lên lớp
Năm, học trò đã được học viết, tập cọng trừ nhiều hơn. Thầy giáo là thầy T. ở
phe Trung, khi nào miệng thầy cũng có ngậm 1 điếu thuốc vấn “Cẩm Lệ”. Ngoài dạy
đọc viết, làm toán, thầy còn cho diễn kịch, dạy “đạo làm người” cho các trò. Có
một lần, thầy lấy cái tủ đựng học cụ làm cái….bàn thờ tổ tiên. Thầy gọi các trò
lên…tập cúng lạy? Tụi nhỏ khúm núm lên thầy tập lạy cúng… Nhưng thì thoảng lại
có tro B. cúng lạy rất dẻo, thầy khen và cho luôn 10 điểm? Rồi lên lớp Tư, lớp
Ba; sau đó mới lên lớp Nhì, cuối bậc Tiểu học là lớp Nhất. Nếu đậu Tiểu học phải
thi vào Đệ Thất ở trên Huế để vào Trung học đệ nhất cấp ( tương đương TH cơ sở
bât giờ)
Bao năm
tháng trôi qua, giờ đây em vẫn còn nhớ cô Dung, cô Tuý (gù lưng), thầy Mừng…thầy
dạy lớp Nhất B. Thầy đi chếc xe Gobel (Sache) của Đức. Thầy Đạt điển tra, với
chiếc Lambretta xịn sò thuở đó…Nhớ những buổi sáng thứ 2 chào ờ, mà cả hàng người
đang đi ngoài đường ngang qua trường phải dừng lại, ngả nón, đứng im để dự chào
cờ…Nhớ những buổi làm thủ công với những món đồ nặn bằng đất sét phơi khô như
con trâu, con lợn, chiếc tu huýt, ô tô, cái Radio… bằng đất sét mà có bánh xe dò đài
lăn lăn được, cái bảng tên trò thắc trên đát mà mình lấy màu phẩm hường của bà
ngoại (làm nghề thợ hàng mã) để tô viền cho đẹp…Ôi! Tuổi thơ đi học đã đi qua
hơn 60 năm rồi mà như thoáng qua như giấc mộng.
Trẻ con
thôn quê xưa quả là không thiếu trò chơi, nhưng hầu hết là trò chơi thô dã mộc
mạc, nó làm say đắm khiến không kịp về nhà ăn cơm nên bị ba mẹ la mắng. Là vùng
quê sông nước, nên đua ghe là trò chơi truyền thống. Có nhiều kiểu đua ghe con
nít, phổ biến nhất là “Xụa ghe”, mỗi đứa lấy rựa vô bụi tre chặt lựa 1 nhánh nè
ngon mắt nhất: có dáng cong cong, thân suôn thẳng. Chặt về, lau sạch mắt rồi
phơi khô trên mái nhà (kẻo bị tịch thu). Xong xuôi rồi đẽo gọt đầu roi nè thành
từng khoanh nhỏ, lấy mực xanh, mực đen, mực đỏ… sơn lên làm ghe mực. Có câu “ Mực
đỏ lái vàng, đi mô nhứt nấy là làng của ta…” Rồi xếp hàng, chuẩn bị phóng ghe dọc
xóm. So tài nhất nhì ba…Có khi ghe chui vào bụi khó phân hơn thua, cũng cố vạch
lá …so đua tài?...Chán ròi thì cặp chèo, 1 ghe 2 chú, đằng mũi ôm que nè, đằng
đuôi que chèo, chạy bơi cho đến đích… Khi chán thì “Căn cù u óc, cấm khóc cấm
la”, “Tán lon”, “Khẻ tường”, bắn bi “On cú lỗ…đơ” (Tiếng Pháp 1 về lỗ 2 bắn
bi…).. Thật đáng tiếc, giờ đã lâu, đô thị hoá, bê tông hoá đường làng, ngõ xóm,
những trò chơi như trên của trẻ nay không còn nữa. Trẻ giờ chi nhỉ thích nhìn
vào màn hình Led, đi chơi vận động chân tay …trở thành món xa xỉ, chỉ dành cho
những kỳ nghỉ của những gia đình có điều kiện…Tiếc thay!
Thế rồi sau
những đêm dài đầy biến động của cuộc chiến, những đêm nằm ngủ dưới tấm phản dày
ở nhà bà nội vì sợ mảnh bay, đạn lạc. Rồi đến trận chiến 1967 ở làng An Thuận kề
bên. Nhà tôi phải tản cư lên thành phố, ở trong Thành Nội Huế. Tôi được ba tôi
nộp đơn thi đậu vào lớp Đệ Thất 1, lớp Anh văn của trường Trung học Hàm Nghi
niên khoá 1967-1968. Từ đó, khi cả nhà hồi quê, tôi tiếp tục chặng đường trọ học
trong nhà mình cùng với bà nội, ông chú và bà chị họ cho đến 1975. Qua một giai
đoạn đi học tiểu học ở ngôi trường làng quê Hương cần.
( Viết từ những ngày nghỉ hiếm hoi ở Heinrietta, Rochester, NY... Nhớ thuở thiếu thời)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét