Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Nhớ mãi thuở thanh xuân

 


NGÔI TRƯỜNG CỔ TRONG THÀNH NỘI HUẾ!

            Đó là trường Trung học Hàm Nghi, Huế những năm đầy biến động ở thành phố Huế 1967. Mùa hè 1967, sau khi tản cư lên thành phố, ở trong Thành Nội, tôi được ba tôi cho đi học lớp luyện thi vào Đệ Thất tại trường tiểu học Đào Duy Từ để nộp đơn thi vào lớp Đệ thất, trường Trung học Hàm Nghi. Luyện thi bảo đảm, nếu đậu mới nộp tiền. Nơi thi là tường Tiểu học Trần Quốc Toản, gần cửa Thượng Tứ. Hôm thi thật là náo nhiệt, kẻ ném phao, có kẻ đọc lời bài giải oang oang trên loa phóng thanh…; thầy cô giám thị thì cứ nhắc: “Đừng nghe họ đọc, coi chừng trật đó?” . Hồi đó lớp Nhất mà thi Toán khó ghe: Nào là số học, sợ nhất là Toán giải động tử: Vòi lước A mở lúc mấy giờ? Sau đó vòi nước B mở ? Vòi C thoát ra? Hỏi bao giờ thì bể nước đầy?v.v…Hay xe 1 chạy lú / giờ vận tóc là…? Đến ? giờ xe B chạy ?...Hỏi đoạn đường dài ? km? v.v…Thế rồi đến ngày có bảng kết quả, làng tôi chỉ có 2 bạn trúng tuyển, còn lại về học trường quận, hay vào Bán Công, Tư thục Bồ Đề hay La san, Thiên Hựu v.v…

            Ngôi trường đó nằm giữa của Ngăn và cửa Thượng Tứ. Trước trường là 2 bãi cỏ rộng mênh mông. Nghê nói hồi xưa là nơi quần ngựa, quần voi của triều đình. Sau cửa Thượng tứ là sân bóng đá Hàm Nghi (Đội bóng á địch chỉ thua trường Nguyễn Tri Phương). Sau cổng chính là khoảnh sân với Di Luân Đường, một ngôi nhà lớn bề thế nền bằng đá Thanh, bậc cấp có rồng chầu. Trong có bàn thờ Thánh đạo Nho là Khổng tử, với lọng, tán , che bàn thờ có ảnh. Chung quanh là những dãy nhà học với Thư viện, nhà Thí nghiệm…Phía sau trường là Tàng Cổ Viện Huế, khi nào cũng đóng cửa với những khẩu súng thần công, vài quả đạn tròn tròn lăn lóc mà tụi học trò hay vân vê tò mò mỗi giờ ra chơi…

            Đệ Thất Hàm Nghi năm 1967 chỉ có 4 lớp: Từ Thất 1-3 có sinh ngữ chính là Anh văn, Thất 4 học Pháp văn. Mình học Thất 1 với bạn Bửu, HĐQ Tuấn, Vị , Cư, TTL Nhân, Hiếu, TT Nhân, Hưng, và đặc biệt có bạn Phước (bị liệt 2 chân, đi học chống nạng) gần nhà mình nhất (đường Phùng Hưng) giao với Lê Văn Duyệt).

            Đến sau chiến cuộc Mậu Thân 1968, sau lớp đệ Lục, Đệ Ngũ..thì đổi tên lớp thành lớp 6, 7, 8, và lớp 9 tức đệ Ngũ năm 1971. Hồi đó, trường Trung học Hàm Nghi chỉ có nam sinh. Hình như sau Mùa Hè đỏ lửa 1972, do số học sinh tản cư từ Quảng Trị và các huyện về thành phố đông, trường mới nhận thêm nữ sinh vào (lúc đó mình đã vào học lớp 10 Công Thôn, trường Nông Lâm Súc- Huế).

            Một học sinh ở xa nhà, trọ học với bà nội già và ông chú đi lính…là khó tập trung cho việc học. Đó là giai đoạn cái sự học hành của tôi sụt dốc nhất. Ngoài môn Nhạc và Hoạ , Việt văn ra, thì môn nào cũng có điểm nhì nhằng ,chỉ vừa mức TB khá. Tuổi thơ học trò luôn thơ thẩn với sách báo Tuổi hoa. Hằng ngày tan học về là về nhà Tuấn , Vị, Hiếu, Nhân, Hưng… ôm từng bộ báo tuổi hoa ra đọc say mê hết muốn về nhà. Rồi đi học về ngang nhà sách Khánh Quỳnh cho thuê truyện: Vậy là những bộ truyện tranh Batman, Superman, Tin Tin, Lucky Luke…. Chiếm hết thời gian   sau giờ đi học. Có 1 buổi cầm luôn cuốn truyện tranh vào lớp học bị cô giáo cho cặp trứng ngỗng to đùng!


            Môn học thính nhất và mấy lần làm “sơ mi” lớp là môn vẽ của thầy Nguyên. Thầy Nguyên ở Tỳ bà trang, đối diện với trường dạy môn vẽ . Thầy cho 16 điểm bài thi học kỳ của mình với bức tranh “Ánh trăng Trung Thu miền quê” , bức tranh “ Lăng Tự Đức” cũng được 16 điểm, nhất lớp (Những bức tranh này đều lấy cảm hứng trư tranh bìa “Tuổi Hoa” của hoạ sĩ Vi Vi). Rồi thầy Tâm Thiện Tuấn dạy môn Nhạc với cái âm thoa nốt Đô rền vang trong giờ học Nhạc, cây violon huyền diệu…khiến bọn học trò hầu như đứa nào cũng mê nhạc và ghi danh học thêm đàn ở trường Quốc Gia Âm nhạc trong Đại Nội. Môn Văn học thì mình nổi tiếng với bài thuyết trình “Cái ấm đất” của Khái Hưng, với giọng “te no” đến giờ nhiều bạn còn nhớ sau 60 năm?... Ôi! Tuổi học trò có những khi lầm lũi mặc áo mưa đi học về lang thang trên đường “Phượng bay” Đoàn Thị Điểm; đường Đinh Bộ Lĩnh với hàng cây nhãn sù sì. Đường chờ vào học trước Di luân đường với 2 hàng cây Mù U, mà đi học về, đứa nào cũng gỡ vài mảnh vỏ cây mềm, lấy con dao mổ nho nhỏ để khắc dấu tên mình, dấu chữ ký…rồi lấy mực học trò đóng lên mấy trang giấy vở…Kỷ niệm mới đẹp đẽ và thân thương bấy nhiêu?

            Trong lớp học, mình ngồi bên bạn HĐQT, bạn có biệt tài viết bài trên giấy vở thật đẹp. Trông như trang sách: Mỗi tiêu đề là chữ in có nét chân, tô nổi 3D, còn hàng chữ thẳng đứng chân phương khiến nhiều bạn ( kể cả tôi) bắt chước. Đến lớp 9 thì phong trào bắt chước nét chữ của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, làm mất nét chữ chân phương đó, và thay vào vở là nét chữ phăng của nhạc sĩ họ Trịnh…Đúng là một thuở mông lung, thăng trầm như những biến động của thời cuộc chiến tranh…

            Thứ hai đầu tuần, toàn bộ học sinh phải mặc đồng phục áo trắng quần trắng, đứng chờ vào trường 2 bên đường tránh dưới tán lá 2 hàng Mù u, Long não…Được nhìn ngắm đoàn xe của thầy cô đến trường trước. Nào là chiếc Mercedes màu đen bóng lộn của thầy Phiên, hiệu trưởng. Nghe nói là chiếc xe sang nhất Huế mà mỗi khi có Tổng thống ra Huế đều đi xe nầy. Chiếc Peogeut 403 của thầy Tổng giám thị LHK…Oách nhất là chiếc xe Jeep rằn ri của thầy Bằng với bộ đồ lính và chiếc mũ đỏ lính dù,…Công nhận thuở đó, các giáo sư của trường tôi toàn là người sang trọng, đáng kính vậy…

           


Nghỉ giữa tiết, đổi phòng học, đổi giờ, bọn học trò lại tha thẩn kéo nhau vào chơi Đại Nội. Chỉ thấy toàn cỏ lau, cỏ tranh che phủ những kiến trúc cổ xưa của Đại Nội đã bị chiến cuộc Mậu Thân 1968 tàn phá tan hoang. Một vài bà cụ cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn hướng dẫn cho mấy bạn nhỏ tập múa đèn, múa quạt…Cả bọn kéo nhau đi tìm mảnh đạn trên góc thành Ngọ Môn, nghe đồn có 2 anh chị ôm nhau tự tử bằng lựu đạn vì cha mẹ không đồng ý cho họ kết hôn (dấu mảnh  đạn bây giờ vẫn còn…). Rồi tan học về, lại nhà bạn Phước trong khu gia binh đồn Quân tiếp vụ để đánh bóng bàn. Phải  công nhận, vừa đi nạng, vừa đánh bóng bàn mà bạn không chịu thua ai? Ba của bạn là hội trưởng hội phụ huynh trường Hàm Nghi, nên mỗi cuối năm treo thưởng rất nhiều (có học sinh danh dự toàn trường thuê cả xe xích lô để chở sách vở phần thưởng). Đứng đầu lớp luôn luôn là bạn Thiết, nhà đạp xích lô nhưng học giỏi ( sau này là GV dạy Toán). Nhiều bạn học trong lớp sau này đỗ vào nhiều trường danh tiếng như Phú Thọ, Y khoa, Sư phạm…

Đến 1972, khi ở trọ trong nhà với ông bác dạy trường Nông Lâm Súc, mình lại nộp đơn vào học Nông Lâm Súc để học ban Công Thôn (ban Toán và công nghiệp nông thôn). Ngành học được rập theo mô hình giáo Dục Cộng đồng do chương trình hậu chiến để xây dựng quê hương. Vậy là mình giã từ ngôi trường cổ Quốc Tử Giám Hàm Nghi để vào Trung học Nông Lâm Súc Huế. Từ giã con đường Phượng bay, để tay bút vở, tay đồ nghề trong ngôi trường mới!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét